Actiso
CÂY ACTISÔ
Tên khoa học: Cynara scolymus L.
Họ cúc: Asteraceae.
Tên vị thuốc: Actisô.
I. Đặc điểm thực vật
Actisô là cây thân thảo, sống hàng năm, cao 0,8 - 1,2 m (khi ra hoa). Thân có vân dọc, thân non có lông mềm mầu trắng ngà. Lá đơn, mọc so le, phiến lá phân thuỳ lông chim 2 - 3 lần, mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới có lông trắng. Cụm hoa hình rổ được hình thành trên ngọn các cành. Hoa tự gồm nhiều hoa, có nhiều lá bắc tọa thành bao hoa đỉnh nhọn. Hoa hình ống, mầu lam tím đính trên đế hoa nạc. Quả bế, nhẵn, khi chín mầu đen mang các tơ trắng dài hơn quả và dính nhau ở gốc tạo thành vòng dễ tách ra khi quả chín. Hạt không có nội nhũ.
Mùa hoa vào tháng 12 - 2. Quả chín vào tháng 3 - 6.
II. Điều kiện sinh thái
Actisô là cây thuốc mọc tự nhiên ở nhiều nước châu Âu, được người Pháp đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 19 và được trồng trên các vùng núi có khí hậu mát quanh năm như Sapa, Mường Khương (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng). Actisô là cây thuốc ưa khí hậu mát mẻ, ôn hoà, có lượng mưa hàng năm khoảng 2000 - 2500 mm, nhiệt độ trung bình năm 15 - 20o C.
Actisô là cây thuốc trồng lấy lá để làm dược liệu. Cây sinh trưởng mạnh, rễ phàm ăn nên điều kiện đất đai thích hợp để trồng Actisô phải là đất tốt, giữ ẩm tốt nhưng đồng thời cũng thoát nước tốt trong mùa mưa, thường là loại đất thịt nhẹ, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn.
ở Việt Nam, Actisô đã được trồng với diện tích lớn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và ở Sapa (Lào Cai), đã mở rộng diện tích trồng Actisô theo hướng sản xuất hàng hoá từ năm 1998.
iii. Giá trị làm thuốc
1. Thành phần hóa học
Lá Actisô có các thành phần chủ yếu sau:
- Các axit hữu cơ: Trong đó quan trọng nhất là cynarin (axit 1 - 3 dicafeyl quinic), axit cafeic, clorogenic, neo clorogenic, axit hydroxymethylacrilic, axit malic, axit lactic...
- Các flavonoid (dẫn chất của luteolin): cynarosid, scolymosid và cynarotriosid.
- Các thành phần khác: Các enzym, các chất vô cơ...
- Hoạt chất có tác dụng chủ yếu là cynarin, các flavonoid, các axit phenolic khác.
2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
a) Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là lá cây Actisô (Folia Cynarae).
Lá Actisô thu hái vào lúc cây trưởng thành (3 tháng sau khi trồng cho đến trước khi cây ra hoa). Lá thường được thu hoạch hàng tháng, sau khi thu hái rửa nhanh bằng nước sạch, xử lý qua hơi cồn hoặc hơi nước nóng để hủy tác dụng của các enzym. Sau đó mang đi sơ chế hoặc chế biến thành sản phẩm dược liệu Actisô.
b) Công dụng:
Lá Actisô có vị đắng, có tác dụng lợi tiểu, được dùng trong bệnh phù và thấp khớp. Dùng làm thuốc thông mật; chữa các bệnh suy gan, thận, viêm thận cấp và mãn tính, sưng khớp xương. Có tác dụng nhuận tràng nhẹ và lọc máu đối với trẻ em.
Có thể dùng lá tươi hoặc khô, đem sắc (5 - 10 g lá khô/ngày). Trên thị trường có các dạng dùng khác nhau như: viên bao film, trà túi lọc...
Về tác dụng dược lý: Dung dịch Actisô tiêm tĩnh mạch gây tăng mạnh lượng mật bài tiết; Actisô cho uống và tiêm đều có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu và lượng urê trong nước tiểu, làm giảm hằng số Ambard, giảm nồng độ cholesterol máu và urê máu. Tuy nhiên lúc mới uống, có khi urê máu tăng lên, do Actisô làm tăng sự tạo urê trong máu.
Mọi thông tin về Quy trình và Giống cây thuốc
xin liên hệ với Trung tâm !