Câu chuyện về vị thuốc Tiên hạc thảo
Câu chuyện về vị thuốc Tiên hạc thảo
Tiên hạc thảo, Long nha thảo | 仙鹤草 Xian he cao | Agrimonia pilosa Ledeb.| Rosaceae
Hoàng Hạc lâu là danh thắng nổi tiếng đất Giang Nam (tọa núi Xà Sơn, bên bờ Trường Giang [hay còn có tên Dương Tử], thuộc thành phố Vũ Hán). Còn Tiên hạc thảo lại là một vị thuốc cầm máu tốt. Thoạt nghe có vẻ là chẳng liên quan gì, kỳ thực lại có một truyền thuyết nói lên mối quan hệ chặt chẽ của Hoàng Hạc Lâu và Tiên hạc thảo.
Xưa kia, ở giữa sông Trường Giang có một bãi bồi [châu] nhỏ tên gọi châu Anh Vũ, cách không xa đó có một ngôi lầu [lâu], ở trong lâu có một lão nhân tóc trắng xóa. Lão nhân thông thạo y đạo, vừa hành nghề y vừa dưỡng tính tu hành, được mọi người kính trọng. Một ngày cuối thu nọ, không biết từ đâu bay tới một con hạc màu vàng [hoàng hạc], rơi xuống trước cửa lâu, kêu lên những tiếng thê lương. Mọi người bao vây xung quanh Hoàng hạc, thấy mình Hoàng hạc đầy máu me, liền sôi nổi bàn tán, có người nói Hoàng hạc đang bay về quê nhà, bị mất phương hướng, nên rơi xuống đây; có người lại nói, Hoàng hạc bị thương, có ý dừng lại nơi này, mong có người cứu chữa, vv. Lão nhân nghe thấy ồn ào, liền ra khỏi lâu, trông thấy Hoàng hạc chảy máu, liền tiến vào lâu rồi ra rừng phía sau, trong chốc lát mang về một loại thảo dược có lá dạng lông chim, rồi rắc lên miệng vết thương của Hoàng hạc, không lâu sau thì máu không còn chảy nữa. Sau đó, lão nhân tận tình chăm sóc Hoàng hạc, Hoàng hạc cũng bình phục rất nhanh. Một thời gian sau, vào một buổi sáng sớm, lão nhân hướng về phía mọi người chào từ biệt, rồi liền cưỡi hạc bay lên trời. Mọi người suy đoán rằng, lão nhân đã thành tiên, mà Hoàng hạc chính là do tiên giới phái xuống để đón lão nhân đi. Nhưng mọi người cũng không biết tìm lão nhân ở đâu nữa. Sau đó, mọi người gọi lâu mà lão nhân đã ở là “Hoàng hạc lâu”, lại gọi loại thảo dược mà lão nhân đem chữa trị cho Hoàng hạc gọi là “Tiên hạc thảo”.
Cây tiên hạc thảo (long nha thảo)
Rất lâu sau này, thi nhân Thôi Hạo/Thôi Hiệu đời Đường đi du ngoạn đến Hoàng hạc lâu, nghe được truyền thuyết này, liền ngẫu hứng làm bài thơ sau lưu truyền muôn thuở là “Hoàng Hạc Lâu” như sau:
“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Nghĩa là:
“Người xưa đã cưỡi Hoàng hạc bay đi,
Nơi này chỉ còn lại Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc một đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn dằng dặc trên bầu trời
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối ở Hán Dương (*) rõ mồn một,
Cỏ thơm xanh tươi trên bãi Anh Vũ
Hoàng hôn xuống, tự hỏi nơi nào là quê nhà?
Khói tỏa trên sông khiến lòng người cũng buồn”
Sau này, khi thi nhân Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu, cũng hứng quá mà định làm thơ, nhưng đã thấy thơ của Thôi Hạo đề trên vách, đọc xong liền vứt bút, ngửa mặt lên trời mà than rằng:
“Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hạo đề thi tại thượng đầu”
Nghĩa là:
"Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hạo đã đề thơ trên đầu"
Tất nhiên, đây cũng chỉ là nghe người sau kể lại mà thôi.
Lý Bạch cũng có bài thơ về Hoàng Hạc Lâu rất hay mà chúng ta đã được học ở THPT là bài Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng (Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng) như sau:
“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”
Nghĩa là:
“Bạn cũ ra đi từ phía Tây lầu Hoàng Hạc
Giữa mùa hoa khói tháng ba xuống Dương Châu
Xa xa, bóng hình cánh buồm đơn độc lẫn vào mây biếc đã khuất
Chỉ còn thấy sông Trường Giang bên trời xuôi mãi đâu”
Về vị thuốc Tiên hạc thảo hay Long nha thảo (cỏ răng rồng). Theo Đông y thì loại này vị đắng, chát, tính bình, thu liễm chỉ huyết, bổ hư, tiêu tích, chỉ lỵ, sát trùng, giải độc tiêu thũng. Công dụng: Trị thổ huyết, khạc ra máu, ho ra máu, đổ máu cam, tử cung xuất huyết, đi ngoài ra máu, tiêu chảy, lỵ, lở loét, ung nhọt, giun đũa, sán dây cùng với chứng thoát lực lao thương, thần lực mệt mỏi, sắc mặt ủng vàng. Ngày dùng 3 – 10 g dạng thuốc sắc, nặng có thể dùng tới 30 – 60 g. Dùng ngoài với lượng thích hợp.
(*) Nguyên văn: Hán Dương thụ, có thể dịch là (i) cây cối ở Hán Dương [là một quận của Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc], (ii) cũng có người dịch là cây Bạch quả cổ thụ (Ginkgo biloba L.), nguyên do là ở quận Hán Dương có cây bạch quả cổ thụ, đã hơn 530 năm tuổi, cao 28 m, đường kính 1,5 m, chiều rộng tán tới 21,8 m. Đây là cây cổ thụ nhất của Hán Dương, nên gọi là Hán Dương thụ. Tuy nhiên cách dịch này có vẻ không đúng, do thi nhân đời Đường - Thôi Hạo (704–754) viết bài này cách nay đã hơn 1.000 năm, còn cây Hán Dương thụ mới được hơn 500 năm thôi. Dù vậy, đây cũng là một thông tin thú vị, ngoài ra xung quanh cây Hán Dương thụ này cũng có một truyền thuyết rất hay.Hán Dương Thụ
Hoàng Hạc lâu (1920)
Hoàng Hạc lâu (2006)
Dẫn theo DS. Nghiêm Đức Trọng