Danh mục sản phẩm
Lượt truy cập
  • 1
  • 77
  • 1,084,882

Bản tin dược liệu số 04/2019 - Khối Tạo nguồn Cây Địa hoàng- Viện Dược liệu (P1)

  06/11/2019

Bản tin dược liệu số 04/2019

BẢN TIN SỐ 04/2019

 

TT

 TIN DỊCH

1.  

HAI GLYCOSID MỚI TỪ RỄ CỦA CÂY SINH ĐỊA

Feng WS và cs. 

Nat Prod Res. 2015;29(1):59-63.

Hai ionon glycosid  mới, được đặt tên là frehmaglutosid G (1) và frehmaglutoside H (2), cùng với sáu hợp chất đã biết, rehmapicrosid (3), sec-hydroxyaeginetic acid (4), dihydroxy-β-ionon (5) ionon (6), rehmaionosid A (7) và rehmaionosid C (8), được phân lập từ dịch chiết ethanol 95% của rễ khô cây sinh địa. Cấu trúc của chúng được xác định dựa trên các phân tích phổ rộng, bao gồm các phương pháp HR-ESI-MS, UV, IR, 1D và 2D NMR ((1) H- (1) H COZY, HSQC, HMBC và NOESY). Các cấu hình tuyệt đối đã được xác nhận thông qua phổ lưỡng sắc tròn.

Hoàng Thị Sáu

2. 

NGHIÊN CỨU TẠO RỄ CỦ IN VITRO CÂY ĐỊA HOÀNG

Tao Xue và cs.

Anhui Key Laboratory of Plant Resources and Biology, School of Life Sciences, Huaibei Normal University, Huaibei 235000 Anhui, People’s Republic of China. Accepted 19 March, 2012

Nghiên cứu này khảo sát hệ thống cảm ứng rễ củ in vitro của cây địa hoàng. Vai trò của chất điều tiết sinh trưởng thực vật, các carbohydrat, và khoáng chất được đánh giá về tác dụng cảm ứng và phát triển rễ củ in vitro. Kết quả cho thấy môi trường cơ bản Murashige và Skoog (MS) đã đóng góp rất lớn vào cảm ứng rễ củ in vitro, tiếp theo là acid α-naphthalene acetic (NAA), sucrose và 6-benzyladenin (BA). Môi trường tối ưu là ¼ MS có bổ sung 1,5 mgL-1 BA, 0,15 mgL-1 NAA và 5% sucrose. Bên cạnh đó, paclobutrazol (PP333) và methyl jasmonat (MeJA) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cảm ứng rễ củ in vitro, nồng độ thích hợp nhất lần lượt là 1 mgL-1 và 10 μmolL-1

Trần Trung Nghĩa

3. 

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC THỰC VẬT TRÊN CÂY DƯỢC LIỆU ĐỊA HOÀNG

Sang un Park và cs.

ArticleinJournal of medicinal plant research 3(13) December 2009 

Dược liệu địa hoàng là một trong 50 loại thảo dược cơ bản được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc. Rễ địa hoàng Trung Quốc có rất nhiều tác dụng có lợi và tác dụng dược lý đối với hệ máu, hệ miễn dịch, nội tiết, tim mạch và hệ thần kinh.  Ở Trung Quốc địa hoàng được nhân giống thông qua rễ cây. Vì vậy, một số nghiên cứu đã được báo cáo về ứng dụng sự tái sinh trưởng thực vật in vitro, vi nhân giống và chuyển đổi cây địa hoàng từ nuôi cấy sang nhân giống rộng rãi và cải tiến giống cây. Phần tổng quan này tóm tắt thông tin trước đây và hiện tại về ứng dụng công nghệ sinh học thực vật (tái sinh cây, vi nhân giống, nuôi cấy rễ và chuyển đổi cây) ở địa hoàng và cung cấp những hiểu biết mới cho nghiên cứu trong tương lai của ngành này.

Phạm Thị Lý

4. 

NHỨNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRỒNG ĐỘC CANH LIÊN TỤC CÂY ĐỊA HOÀNG ĐẾN SỰ ĐA DẠNG CỦA CỘNG ĐỒNG NẤM ĐẤT CÓ VI SINH VẬT

Zhong-yiZHANGab và cs.

Agricultural Sciences in China Volume 10, Issue 9, September 2011:1374-1384

Các vấn đề về độc canh liên tục, hoặc các loại bệnh khi trồng lại là một trong những vấn đề then chốt ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của các cây thuốc Trung Quốc. Cơ chế cơ bản vẫn đang được khám phá. Hầu hết những nghiên cứu về độc canh liên tục của cây địa hoàng đều tập trung vào sinh lý dinh dưỡng thực vật, sự tiết ra các chất từ rễ (để đáp ứng thích nghi với điều kiện đất và sự hiện diện của vi khuẩn) và tự độc tính (autotoxicity, self-toxicity). Tuy nhiên, những thay đổi về tính đa dạng của hệ vi sinh vật trong khu vực sinh quyển do mô hình độc canh liên tục vẫn chưa được biết đến. Trong nghiên cứu này, kỹ thuật đa hình đoạn giới hạn đoạn cuối (T-RFLP) đã được sử dụng để thu thập dấu vân tay đa dạng của nấm trong mẫu đất vùng rễ (có sự hiện diện của vi sinh vật, rhizosphere soil) lấy từ cánh đồng trồng cây địa hoàng trong 1 và 2 năm. Kết quả cho thấy cấu trúc của cộng đồng nấm trong đất vùng rễ trồng độc canh liên tục này khác với cấu trúc cộng đồng nấm trong mẫu đất chứng (đất không trồng cây) và thay đổi theo số năm trồng độc canh liên tiếp (1 và 2 năm). Chỉ số đánh giá toàn diện (D) của cộng đồng nấm được ước tính bằng phân tích thành phần chính về số lượng mảnh, diện tích peak, chỉ số Shannon- Weiner và chỉ số Margalef ở đất trồng độc canh 1 năm cao hơn đất trồng độc canh 2 năm, chỉ ra rằng việc độc canh liên tiếp cây địa hoàng có thể là tác nhân làm giảm sự đa dạng của cộng đồng nấm trong đất vùng rễ.

Phạm Thị Lý, Hoàng Thị Sáu

5. 

SỰ TÍCH LŨY CHẤT CHUYỂN HÓA VÀ MẠNG LƯỚI TRAO ĐỔI CHẤT TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN RỄ CỦ ĐỊA HOÀNG CHO THẤY CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CỦ

Yanqing Zhou và cs.

Scientific Reports volume8 , Article number: 14127 ( 2018)

Rễ địa hoàng chứa nhiều hợp chất có tác dụng dược liệu quan trọng và lợi ích dinh dưỡng, tuy nhiên theo báo cáo hiện nay mới chỉ phát hiện được hơn 140 hợp chất. Nhiều hợp chất khác với sự tích lũy và trao đổi chất trong quá trình phát triển vẫn chưa xác định được. Để xác định các hợp chất này, dữ liệu chuyển hóa của các hợp chất ở 3 giai đoạn phát triển khác nhau được phân tích bằng kỹ thuật LC-MS không mục tiêu. Phân tích đa biến đã cho thấy có 434 chất chuyển hóa khác nhau được tích lũy ở các giai đoạn khác nhau, gợi ý có xu hướng thay đổi khác nhau. Các chất chuyển hóa có xu hướng giống nhau đều đến từ các con đường trao đổi chất phổ biến và các chất chuyển hóa có hàm lượng tăng lên trong quá trình phát triển của rễ thì có giá trị làm thuốc và giá trị dinh dưỡng, một số chất chuyển hóa đặc hiệu của rễ cây trưởng thành có thể là ứng viên cho kiểm soát chất lượng; 434 chất chuyển hóa đã được ánh xạ bộ gen theo các con đường KEGG 111 bao gồm 62 enzym mà sự tăng và giảm các enzym được thể hiện trong quá trình phát triển của rễ cây địa hoàng. Một số chất chuyển hóa tương tác phức tạp với một số enzym và top 10 con đường  được làm giàu từ các con đườngKEGG 111 trong phân tích mạng. Những phát hiện này đã bổ sung tập dữ liệu các hợp chất được xác định của cây địa hoàng, cho thấy sự phát triển và chất lượng của rễ cây có liên quan đến sự tích lũy của các chất chuyển hóa khác nhau. Nghiên cứu này sẽ là cơ sở để hiểu hơn về các thành phần hợp chất, chất lượng và cơ chế phát triển của rễ sinh địa.

Hoàng Thị Sáu

6. 

MỘT GIỐNG ĐỊA HOÀNG CHẤT LƯỢNG CAO MỚI "KOKANG" 

KHÁNG BỆNH VÀ CÓ NĂNG SUẤT CAO

Kim DongHwi và cs.

Korean Journal of Breeding Science 2008 Vol.40 No.1:84-87 ref.10

Kokang là một giống cây địa hoàng có chất lượng cao, kháng bệnh và năng suất cao được nghiên cứu bởi nhóm tác giả chọn tạo cây dược liệu của Viện Khoa học cây trồng quốc gia, RDA, trong giai đoạn từ 1997 đến 2005. Việc tái sinh cây địa hoàng được thực hiện chủ yếu bằng nhân giống vô tính sử dụng cây con trồng từ hạt có nhiều dạng khác nhau. Giống cây Jihwang 1 là giống đã được lựa chọn làm đối chứng. Giống Kokang có khả năng kháng bệnh, hàm lượng catalpol và hàm lượng chiết xuất cao hơn so với Jihwang 1. Các khu vực khảo nghiệm năng suất được thực hiện tại ba địa điểm từ 2003 đến 2005. Năng suất rễ củ của Kokang là 11,8 tấn/ ha, tăng 13% so với giống đối chứng, Jihwang 1. Giống cây này có khả năng thích nghi rộng ở Hàn Quốc ngoại trừ các khu vực vùng núi.

Hoàng Thị Sáu

 

7. 

HỆ THỐNG PHÂN TỬ VÀ HÓA HỌC THỰC VẬT CỦA ĐỊA HOÀNG (SCROPHULARIACEAE)

Dirk C. Albach và cs.

http://orbit.dtu.dk/fedora/objects/orbit:22322/datastreams/file_5123648/content

Mối quan hệ giữa sáu loài Rehmannia đã được nghiên cứu. Liên quan đến hàm lượng của glucosid iridoid, caffeoyl phenylethanoid glycosid (CPGs)và glucon glucon, không có kết luận nào có thể được rút ra. Phân tích phát sinh DNA dữ liệu chuỗi (vùng ITS, trnL-F khu vực và rps16 intron) cho thấy một cấu trúc liên kết được giải quyết tốt, trong đó R. Glutinosa,R. Solanifolia,R. piasezkii và R. elata là các cặp loài được hỗ trợ tốt. Rehmannia chingii là chị em với phần còn lại của chi, phù hợp với sự phân bố xa với các loài khác cùng chi.

Đặng Quốc Tuấn

 

8. 

QUÁ TRÌNH METHYL HÓA Ở RỄ CỦ ĐỊA HOÀNG BỊ BỆNH TÁI CANH (REPLANTING DISEASE)

Yanhui Yang và cs.

International journal of agriculture & biology,2016,  Vol. 18, No. 1, 2016: 160–167

Bệnh tái canh (Replanting disease) là một hạn chế lớn đối với sự phát triển rễ củ của cây địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Fisch. and C.A. Mey). Hội chứng liên quan đến một loạt các thay đổi về hình thái, sinh lý và sinh hóa của cây, mà đỉnh điểm là làm giảm mạnh sự phát triển của rễ củ. Ở đây, khuynh hướng bệnh tái canh gây ra khác biệt methyl hoá nucleotid cytosin trong DNA gốc đã được khám phá thông qua phương pháp khuếch đại đa hình các methyl nhạy cảm (MSAP). Các cây nhiễm bệnh bị làm thay đổi toàn bộ mức độ methyl hóa. Trong số 231 đoạn methyl hóa khác nhau được xác định bằng MSAP, 136 đoạn liên quan đến bệnh tái canh gây ra methyl hóa và 95 đoạn khử methyl hoá. Một bộ gồm 31 đoạn khác nhau bị methyl hóa đã được phân lập và giải trình tự. Các trình tự đã được sử dụng để phân tích chức năng của các gen liên quan và tìm hiểu xem liệu có bất kỳ phiên mã nào khác biệt do cây bị bệnh do trồng lại hay không. Trong số tám gen sao chép phiên mã, ba gen bị khử methyl hóa trong rễ cây bị bệnh được phiên mã nhiều hơn so với ở rễ cây không nhiễm bệnh và năm gen bị methyl hóa được điều chỉnh giảm được xác định bằng phương pháp PCR định lượng thời gian thực (qPCR). Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một cái nhìn sâu hơn về quá trình methyl hóa DNA của địa hoàng bị bệnh tái canh và cung cấp thông tin có giá trị để khám phá cơ chế điều hoà di truyền học biểu sinh đáp ứng lại với bệnh trong các loài này và ở các cây trồng khác.

Đinh Thị Thu Trang, Đặng Quốc Tuấn

9. 

NGHIÊN CỨU TẠO RỄ CỦ IN VITRO CÂY ĐỊA HOÀNG

Tao Xue và cs.

Anhui Key Laboratory of Plant Resources and Biology, School of Life Sciences, Huaibei Normal University, Huaibei 235000 Anhui, People’s Republic of China. Accepted 19 March, 2012

Nghiên cứu này khảo sát hệ thống hình thành rễ củ in vitro của cây địa hoàng. Vai trò của chất điều tiết sinh trưởng thực vật, carbohydrat, và khoáng chất được đánh giá về khả năng hình thành và phát triển rễ củ invitro. Kết quả cho thấy môi trường cơ bản Murashige và Skoog (MS) đã đóng góp rất lớn vào sự hình thành rễ củ in vitro, tiếp theo là acid α-naphthalene acetic (NAA), sucrose và 6-benzyladenin (BA). Môi trường tối ưu là 1/4 MS có bổ sung 1,5 mgL-1 BA, 0,15 mgL-1 NAA và 5% sucrose. Bên cạnh đó, paclobutrazol (PP333) và methyl jasmonat (MeJA) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rễ củ in vitro, nồng độ thích hợp nhất lần lượt là 1 mgL-1 và 10 μmolL-1

Trần Trung Nghĩa

10. 

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRỒNG ĐỘC CANH LIÊN TỤC CÂY ĐỊA HOÀNG (REHMANNIA GLUTINOSA L.) ĐẾN SỰ ĐA DẠNG CỦA CỘNG ĐỒNG NẤM TRONG ĐẤT VÙNG RỄ CÂY

Zhong-yi ZHANGab và cs.

Agricultural Sciences in China Volume 10, Issue 9, September 2011:1374-1384

Các vấn đề về độc canh liên tục, hoặc các loại bệnh liên quan đến tái canh là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của các cây thuốc Trung Quốc. Cơ chế tác động vẫn đang được khám phá. Hầu hết những nghiên cứu về độc canh liên tục của cây địa hoàng đều tập trung vào sinh lý dinh dưỡng thực vật, dịch tiết ra từ rễ cây và độc tính của nó. Tuy nhiên, những thay đổi về tính đa dạng của hệ vi sinh vật vùng rễ cây do mô hình độc canh liên tục gây ra vẫn chưa được biết đến. Trong nghiên cứu này, kỹ thuật đa hình chiều dài đoạn cắt giới hạn (T-RFLP) đã được sử dụng để đánh giá sự đa dạng của quần thể nấm trong đất vùng rễ lấy từ ruộng trồng địa hoàng trong 1 và 2 năm. Kết quả cho thấy cấu trúc của cộng đồng nấm trong đất vùng rễ trồng độc canh liên tiếp khác với trong đối chứng không canh tác. Chỉ số đánh giá toàn diện (D) của cộng đồng nấm được ước tính bằng phân tích thành phần chính của lượng sản phẩm PCR, diện tích cực đại, chỉ số Shannon- Weiner và chỉ số Margalef ở đất độc canh 1 năm cao hơn đất độc canh 2 năm. Kết quả này chỉ ra rằng độc canh liên tiếp cây địa hoàng có thể là tác nhân làm giảm sự đa dạng của cộng đồng nấm trong đất vùng rễ cây.

Phạm Thị Lý, Hoàng Thị Sáu

11.

SỰ TÍCH LŨY CHẤT CHUYỂN HÓA VÀ MẠNG LƯỚI TRAO ĐỔI CHẤT TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN RỄ CỦ ĐỊA HOÀNG THỂ HIỆN CƠ CHẾ PHÁT TRIỂN VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA CỦ

Yanqing Zhou và cs.

Scientific Reports volume8 , Article number: 14127 ( 2018)

Rễ địa hoàng chứa nhiều hợp chất có đặc tính y học và dinh dưỡng quan trọng, tuy nhiên theo báo cáo hiện nay mới chỉ phát hiện được hơn 140 hợp chất. Nhiều hợp chất khác được tích lũy và trao đổi chất trong quá trình phát triển vẫn chưa được xác định. Để xác định các hợp chất này, dữ liệu trao đổi chất của chúng ở ba giai đoạn phát triển khác nhau đã được phân tích bằng phương pháp LC-MS không xác định. Phân tích đa biến đã cho thấy có 434 chất chuyển hóa khác nhau được tích lũy ở các giai đoạn khác nhau, thể hiện xu hướng thay đổi khác nhau. Các chất chuyển hóa có cùng xu hướng đều có cùng con đường trao đổi chất, hàm lượng các chất chuyển hóa tăng lên trong quá trình phát triển của rễ có giá trị làm thuốc và dinh dưỡng, một số chất chuyển hóa đặc hiệu của rễ trưởng thành có thể là thành phần chính kiểm soát chất lượng rễ củ; 434 chất chuyển hóa đã được sơ đồ hoá theo 111 con đường chuyển hoá KEGG bao gồm 62 enzym, biểu hiện sự tăng và giảm trong quá trình phát triển của rễ. Một số chất chuyển hóa tương tác phức tạp với một số enzym và 10 con đường chuyển hoá đầu tiên được làm giàu từ 111 con đường chuyển hoá KEGG trong phân tích mạng. Những phát hiện này đã bổ sung bộ dữ liệu các hợp chất được xác định của rễ củ, sự phát triển và chất lượng của rễ địa hoàng có liên quan đến sự tích lũy của các chất chuyển hóa khác nhau. Nghiên cứu này sẽ là cơ sở về các thành phần hóa học, chất lượng và cơ chế phát triển của rễ sinh địa.

Hoàng Thị Sáu, Dương Thị Ngọc Anh

12.

METHYL HÓA DNA Ở RỄ CỦ ĐỊA HOÀNG (REHMANNIA GLUTINOSA) NHIỄM BỆNH DO TÁI CANH

Yanhui Yang và cs.

International journal of agriculture & biology,2016,  Vol. 18, No. 1, 2016: 160–167

“Bệnh tái canh” là một hạn chế lớn đối với sự phát triển rễ củ của cây địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Fisch. and C.A. Mey). Hội chứng liên quan đến một loạt các thay đổi về hình thái, sinh lý và sinh hóa của cây, mà đỉnh điểm là làm giảm mạnh sự phát triển của rễ củ. Ở đây, khuynh hướng bệnh tái canh gây ra khác biệt methyl hoá nucleotid cytosin trong DNA gốc đã được khám phá thông qua phương pháp khuếch đại đa hình các methyl nhạy cảm (MSAP).  Toàn bộ mức độ methyl hóa ở các cây nhiễm bệnh bị thay đổi. Trong số 231 đoạn methyl hóa khác nhau được xác định bằng MSAP, 136 đoạn liên quan đến methyl hóa và 95 đoạn khử methyl hoá do tái canh gây ra. Một bộ gồm 31 đoạn khác nhau bị methyl hóa đã được phân lập và giải trình tự. Các trình tự đã được sử dụng để phân tích chức năng của các gen liên quan và tìm hiểu xem liệu có bất kỳ phiên mã nào khác biệt nảy sinh do cây bị bệnh tái canh hay không. Trong số tám gen sao chép phiên mã, ba gen bị khử methyl hóa trong rễ cây bị bệnh được phiên mã nhiều hơn so với ở rễ cây không nhiễm bệnh và năm gen bị methyl hóa được điều chỉnh giảm bằng phương pháp PCR định lượng thời gian thực (qPCR). Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra một cái nhìn sâu hơn về quá trình methyl hóa DNA của địa hoàng bị bệnh tái canh và cung cấp thông tin có giá trị để khám phá cơ chế điều hoà di truyền học biểu sinh đáp ứng lại với bệnh trong các loài này và ở các cây trồng khác.

Đinh Thị Thu Trang, Đặng Quốc Tuấn

13.

NGHIÊN CỨU LAI TẠO GIỐNG ĐỊA HOÀNG (REHMANNIA GLUTINOSA) MỚI

Jian – Jun Li và cs.

J Environ Biol. 2016 Sep;37(5 Spec No):1037-1042

Huaidi 81, một giống địa hoàng mới với nhiều đặc tính nổi trội, được sàng lọc bởi đột biến ngoài không gian của các hạt lai giữa giống 85-5 và Bắc Kinh số 1. Khối lượng tươi, chỉ số về thành phần, khả năng chống chịu, diệp lục tố, anthocyanin và các đặc tính quang hợp của Huaidi 81 với các giống chính đã được xác định. Kết quả cho thấy: khối lượng cá thể tươi của các giống địa hoàng được xếp theo thứ tự như sau: Huaidi 81 > 85-5 > Golden Nine > Huaifeng > Qinhuai > Bắc Kinh số 3, có sự khác biệt đáng kể giữa Huaidi 81 và các giống khác. Hàm lượng catalpol được xếp theo thứ tự sau: Bắc Kinh số 3 (1.601%) > Qinhuai (1.588%) > Huaidi 81 (1.314%) > Golden Nine > 85-5 (1.073%) > Huaifeng (0.924%). Không có sự khác biệt đáng kể giữa Huaidi 81 và Golden Nine, nhưng đã tìm thấy sự khác biệt rõ giữa Huaidi 81 và các giống khác; Hàm lượng Acteoside được xếp theo thứ tự sau: Huaidi 81 (0,096%) > Qinhuai (0,069%) > 85-5 (0,047%) > Bắc Kinh số 3 (0,035%) > Huaifeng (0,023%) > Golden Nine (0,022%). Có sự khác biệt đáng kể giữa Huaidi 81 và các giống khác. Huaidi 81 cho thấy khả năng kháng cao đối với bệnh đốm lá do Septoria digitalis Pass và sức đề kháng trung bình với bệnh đốm vòng lá, điều này cho thấy Huaidi 81 có sức đề kháng tốt đối với các bệnh trên lá. Huaidi 81 với hàm lượng chất diệp lục cao nhất và hàm lượng anthocyanin vừa phải cho thấy khả năng quang hợp cao nhất. Tất cả những kết quả này chỉ ra rằng giống Huaidi 81 mới với tổng thể nhiều đặc tính tốt nhất phù hợp để phổ biến như một giống Rehmannia glutinosa mới.

Đinh Thị Thu Trang, Trịnh Văn Vượng

14.

HAI TRÌNH TỰ BỘ GEN LỤC LẠP HOÀN CHỈNH VÀ ĐA DẠNG

TRONG LOÀI ĐỊA HOÀNG (REHMANNIA GLUTINOSA (OROBANCHACEAE)

Jae-Hyeon Jeon và cs.

Journal Mitochondrial DNA Part B, 2019, Vol. 4, No. 1: 176-177

Địa hoàng (Rehmannia glutinosa) là một loại cây được sử dụng làm thuốc y học cổ truyền ở Hàn Quốc và Trung Quốc với nhiều tác dụng bổ dưỡng. Trong nghiên cứu này, bộ gen lục lạp của hai giống địa hoàng đã được giải trình tự hoàn chỉnh bằng phương pháp  lắp ráp de novo dựa trên dữ liệu giải trình tự Illumina cho toàn bộ bộ gen. Chiều dài bộ gen lục lạp của địa hoàng thu thập từ Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 153.680 bp và 153.499 bp. Tổng cộng có 114 vùng mã hóa được dự đoán ở cả hai giống địa hoàng đã thu thập, bao gồm 80 gen mã hóa protein, 4 gen rRNA và 30 gen tRNA. Chúng tôi đã xác định được sự đa dạng phong phú trong loài với 87 InDels và 147 SNP, trong số ba trình tự bộ gen của lục lạp của địa hoàng trong đó bao gồm có một từ GenBank. Phân tích phát sinh loài cho thấy những giống đia hoàng này có quan hệ gần gũi với các loài trong chi địa hoàng (Rehmannia), được tách ra từ các loài khác thuộc họ Orobanchaceae và Scrophulariaceae.

Trần Thị Trang, Trần Văn Lộc

15.

PHÂN LOẠI VÀ XÁC ĐỊNH NGUỒN GEN CỦA ĐỊA HOÀNG (REHMANNIA GLUTINOSA) DỰA TRÊN EST-SSR, QUÉT HÌNH THÁI VI MÔ BẰNG KÍNH HIỂN VI ĐIỆN TỬ VÀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN LOẠI ĐỊNH LƯỢNG

Xiao-juan Li và cs.

Industrial Crops and Products, 2018, Vol. 123: 303-314

Địa hoàng (Rehmannia glutinosa Libosch) là một loại cây thuốc và cây công nghiệp có giá trị, sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng ngàn năm, và được trồng rộng rãi ở đồng bằng trung tâm của Trung Quốc. Các giống khác nhau có sự khác biệt lớn về năng suất và chất lượng. Hơn nữa, canh tác hỗn hợp lâu dài đã dẫn đến lẫn giống Địa hoàng khá nghiêm trọng, làm hạn chế đáng kể việc tạo giống cây tốt. Trong nghiên cứu này, 25 nguồn gen địa hoàng đã được thu thập và phân tích bằng quét kính hiển vi điện tử (SEM) để thu được hình thái vi mô. Phương pháp phân loại định lượng sau đó đã được sử dụng để xác định mối quan hệ di truyền giữa các nguồn gen địa hoàng. Bốn mươi đặc điểm nông học, bao gồm 24 đặc điểm hình thái vi mô quét bằng kính hiển vi điện tử (SEM), đã được chọn để xây dựng sơ đồ phát sinh bằng phân loại định lượng. Ngoài ra, các thẻ trình tự biểu hiện (EST) để xác định chỉ thị microsatellite và khẳng định mối quan hệ di truyền trong 25 nguồn gen khác nhau của địa hoàng . Dựa trên sự kết hợp của các phương pháp này, bốn giống mới đã được phát hiện và được đặt tên là “Huahihuang 01 2017, Huaidihuang 02 2017, Huaidihuang 03 2017 và Huaidihuang 04 2017” theo mã quốc tế về danh pháp cho giống cây trồng (ICNCP) (Phiên bản 1995). Nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu quan trọng về hình thái vi mô của hạt và hạt phấn, cũng như dữ liệu đa dạng di truyền, có thể được sử dụng làm cơ sở khoa học cho việc phân loại và nhận dạng các giống cây điạ hoàng. Nó cũng chỉ ra trạng thái phân cấp của các giống mới được xác định, sẽ giúp bảo vệ nguồn gen cũng như giới thiệu, canh tác và tạo giống địa hoàng.

Nguyễn Thị Xuyên

   

 

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)

 

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

Ba gạc bốn lá

Ba gạc Cu Ba cây nhỏ, sống nhiều năm, cao 1- 2 m, phân cành nhiều, lá mọc vòng. Ra hoa từ tháng 4 kéo dài đến tháng 6 - 7. Quả chín từ tháng 8 - 9 đến tháng10 - 11. Quả đôi, dính chặt vào nhau, vỏ ngoài cứng khi chín có mầu đỏ sau đến tím đen.