Danh mục sản phẩm
Lượt truy cập
  • 13
  • 442
  • 1,236,064

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 4/2020: NGŨ VỊ TỬ

  09/12/2020

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 4/2020: NGŨ VỊ TỬ

STT

TIN DỊCH

  1.  

PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA LOÀI NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS)  BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPLC-DAD-MS KẾT HỢP PHƯƠNG PHÁP HÓA TIN HỌC

Haitao Liu và cs.

Phytomedicine, 20(12): 1135-1143, (2013)

Quả của cây ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis), được gọi là “Wuweizi” (Ngũ vị tử) ở Trung Quốc, vừa là một vị thuốc truyền thống vừa là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Trong nghiên cứu này, phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) kết nối đồng thời detector quang phổ hấp thụ phân tử (DAD) và khối phổ (MS) được áp dụng để đánh giá chất lượng dược liệu Wuweizi. Chín hợp chất lignan, gồm schisandrol A, schisandrol B, angeloylgomisin H, gomisin G, schisantherin A, schisanhenol, schisandrin A, schisandrin B và schisandrin C) đã được xác định đồng thời trong 43 mẫu Wuweizi thu tại các vùng khác nhau. 36 tín hiệu pic đã được xác định hay dự đoán bằng việc so sánh với các hợp chất đối chiếu, thư viện các hợp chất tự thiết lập và với các công bố trước. Và 36 pic phổ biến đã được chọn lựa là những pic đặc trưng có sự tương đồng với sắc ký đồ vân tay của các mẫu Wuweizi khảo sát. Ngoài ra các phương pháp phân tích cụm thứ bậc (hierarchical clustering analysis) và phân tích thành phần chính (principal components analysis) đã được áp dụng để khẳng định sự thay đổi về thành phần hóa học của các mẫu Wuweizi khảo sát. Kết quả thu được chứng tỏ hàm lượng 9 hợp chất lignan thay đổi rõ rệt giữa các mẫu và có thể phân biệt được các mẫu thu thập ở các vùng trồng khác nhau. Ngoài ra, kết quả thu được cho thấy 4 hợp chất schisandrol A, schisandrol B, schisandrin B và schisandrin C là những chất đánh dấu quan trọng trong đánh giá chất lượng dược liệu Wuweizi.

Nguyễn Thị Hà Ly

  1.  

NGHIÊN CỨU BỘ DỮ LIỆU VÂN TAY SẮC KÝ HPLC CỦA DƯỢC LIỆU NGŨ VỊ TỬ

Yang Hui và cs.

Biomedical Research, 2017; 28(19)

Tiến hành xây dựng bộ dữ liệu vân tay sắc ký HPLC đối với ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis), điều kiện sắc ký gồm có cột Agilent ZORBAX 300SB-C18 (4.6 mm × 250 mm, 5 μm), pha động gồm có methanol-nước với chương trình rửa giải gradient và detector UV với bước sóng quan sát là 230 nm. Hình ảnh sắc ký đồ vân tay được phân tích, đánh giá trên phần mềm “Chinese medicine chromatographic fingerprint similarity evaluation system 2004A”. Dựa trên việc nghiên cứu so sánh các hình ảnh sắc ký vân tay, xác định được các mẫu nghiên cứu có 10 tín hiệu pic chung, và nhận dạng được 8 pic trong 10 pic chung đó. Kết quả đánh giá so sánh độ tương đồng giữa hình ảnh sắc ký đồ của 20 mẫu dược liệu cho thấy độ tương đồng đạt 0,95 và 0,85 đối với các mẫu thuốc cao cấp và mẫu thuốc được cấp chứng nhận. Bộ dữ liệu vân tay HPLC của Schisandra chinensis xây dựng được có độ lặp lại tốt và tính đặc hiệu cao, có thể cung cấp cơ sở khoa học trong đánh giá chất lượng Schisandra chinensis.

Nguyễn Thị Hà Ly

 

  1.  

CÁC HỢP CHẤT TRITERPENOID VÀ LIGNAN PHÂN LẬP TỪ QUẢ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Liu Y và cs.

Fitoterapia, 2017 Jan;116:10-16

Ba triterpenoid mới (1-3) và bảy hợp chất đã biết (4-10), cùng với một dibenzocyclooctadien lignan mới (11) và 15 dibenzocyclooctadiene lignan đã biết (12-26), được phân lập từ quả của ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera Rehd. et Wils). Cấu trúc của các chất này được xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu phổ HRESIMS, phổ 1D và 2D NMR và phổ CD. Đánh giá khả năng gây độc tế bào in vitro của các triterpenoid đã phân lập (1-10) trên dòng tế bào ung thư gan người HepG2 cho thấy, các hợp chất 1, 3-7 và 10 có tác dụng ức chế tăng sinh trung bình trên dòng tế bào HepG2 với IC50 từ 18,12 đến 49,52 μM. Các lignan (11-26) được khảo sát tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh SH-SY5Y chống lại tổn thương do CoCl2, H2O2 và Aβ25-35 gây ra và cho thấy tác dụng bảo vệ thần kinh đáng kể ở các mức độ khác nhau. Ở nồng độ thấp 3,2 nM, các hợp chất 14, 17-19, 23 trên mô hình gây tổn thương tế bào do CoCl2, các hợp chất 11, 13-15, 17, 19-20, 22-24 trên mô hình gây tổn thương tế bào do H2O2 và các hợp chất 12-14, 19, 25-26 trên mô hình gây tổn thương tế bào SH-SY5Y do Aβ25-35 đều cho thấy có tác dụng bảo vệ thần kinh đạt ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng âm tương ứng.

Bùi Thế Vinh, Nguyễn Thị Hằng

  1.  

CÁC LIGNAN MỚI PHÂN LẬP TỪ RỄ CÂY NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Jiang K và cs.

Fitoterapia. 2015; 103:63-70

Chín lignan mới (1-8, 13) và năm hợp chất đã biết (9-12, 14) được phân lập từ rễ của cây ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera) và được khảo sát dọn gốc tự do 2,2-diphenyl-1-picryl-hydrazyl (DPPH). Trong số các lignan này, các hợp chất 1, 7, 8 và 13 cho thấy có tác dụng chống oxy hóa đáng chú ý với các giá trị IC50 lần lượt là 92, 115, 35 và 48 μg/ml. Hoạt tính của hợp chất 8, có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất, trên sự huyết giải gây bởi gốc tự do ở tế bào hồng cầu người (RBCs) được đánh giá tương tự như vitamin C.

Lâm Bích Thảo, Nguyễn Thị Hằng

 

  1.  

PHÂN TÍCH NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) VÀ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Yan Lu và cs.

Journal of Chromatography A, 2009; 1216(11): 1980-1990.

Wuweizi (Fructus Schisandrae, quả ngũ vị tử) là một vị thuốc y học cổ truyền cao cấp đã được sử dụng hàng nghìn năm ở Trung Quốc. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh rằng hầu hết các tác dụng sinh học và tác dụng dược lý của Wuweizi là do nhóm hoạt chất lignan tạo nên, đặc biệt là nhóm dibenzocyclooactadien lignan, như có thể làm giảm nồng độ glutamate-pyruvate transaminase trong huyết thanh (SGPT), ức chế sự tập kết tiểu cầu, có tác dụng kháng oxy hóa, đối kháng canxi, kích hoạt tác dụng kháng ung thư và kháng HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người). Quả chín sấy khô của cả 2 loài Schisandra chinensis và Schisandra sphenanthera đều được gọi là Wuweizi (Ngũ vị tử), mặc dù thành phần hóa học và hàm lượng các hoạt chất hoàn toàn khác nhau. Từ năm 2000, chúng đã được chấp nhận là hai loại dược liệu khác nhau, tương ứng là ngũ vị tử Bắc và ngũ vị tử Nam trong Dược điển Trung Quốc. Để cung cấp các tham khảo hữu ích cho việc kiểm soát chất lượng dược liệu ngũ vị tử, nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, các phương pháp định tính và đánh giá chất lượng 2 dược liệu này đã được báo cáo trong các bài báo khoa học và được tóm tắt trong tài liệu này. Sự quan tâm đặc biệt là các phương pháp khác nhau được phát triển để định tính và định lượng các lignan có hoạt tính sinh học trong Ngũ vị tử. Theo quan điểm của chúng tôi, sắc ký lớp mỏng (TLC) là phương pháp đơn giản và thuận tiện nhất để định tính hai dược liệu này và phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao với đầu dò UV (HPLC-UV) là phương pháp thích hợp để định lượng các lignan có hoạt tính sinh học. Một số phương pháp mới được phát triển, như những kỹ thuật phân tích sắc ký kết hợp phổ (GC-MS, LC-MS, LC-FTIR, LC-NMR, CE-MS) đã được phát triển để xác định những lignan có hàm lượng thấp hoặc khó tách khi sử dụng phương pháp HPLC.

Nguyễn Đình Quân

  1.  

XÁC ĐỊNH CÁC LIGNAN VÀ CÁC HỢP CHẤT PHENOL TRONG NGŨ VỊ TỬ BẮC [SCHISANDRA CHINENSIS (TURCZ.) BAILL] BẰNG PHƯƠNG PHÁP HPLC-ESI-TOF-MS VÀ HPLC- ONLINE TEAC: ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA MỖI HỢP CHẤT ĐẾN TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA TỔNG VÀ SO SÁNH VỚI CÁC THỬ NGHIỆM CHỐNG OXY HÓA TRUYỀN THỐNG

Mocan và cs.

Journal of Functional Foods, 2016; 24: 579-594

Ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis) là một loại thực phẩm được sử dụng rộng rãi do có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều tác dụng sinh học có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu này nhằm xác định các hợp chất hóa học đặc trưng và khả năng chống oxy hóa của quả S. chinensis cũng như các bộ phận được đánh giá thấp như lá và thân. Nghiên cứu này đặc biệt xác định sự góp phần của từng hợp chất (các lignan và cả các hợp chất phenol) đến tác dụng chống oxy hóa tổng bằng phương pháp HPLC-online TEAC. Với phương pháp LC-DAD/ESI-Tof-MS, đã xác định được 28 lignan và 20 hợp chất phenol. Trong số 48 hợp chất đó, 12 hợp chất phenol lần đầu tiên được xác định trong chi Schisandra. Gomisin D là lignan duy nhất có khả năng bắt các gốc tự do ABTS +, cho thấy rằng bản chất cấu trúc hóa học quyết định hoạt tính chống oxy hóa hơn là hàm lượng. Nhìn chung, các đồng phân của acid chlorogenic và quercetin glycosid đóng góp hơn 80% khả năng chống oxy hóa tổng. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng thân và lá cũng có thể sử dụng để tách các hợp chất có hoạt tính và làm thực phẩm chức năng.

Nguyễn Đình Quân

  1.  

PHÂN BIỆT NHANH NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA) VÀ NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) BẰNG PHƯƠNG PHÁP MALDI-MS

Lai và cs.

International Journal of Mass Spectrometry, 2018, 434: 258-263

Schisandrae sphenanthera (phân bố ở phía Nam được gọi là ngũ vị tử nam) và Schisandrae chinensis (phân bố ở phía Bắc được gọi là ngũ vị tử bắc) là những vị thuốc cổ truyền đều được gọi là ngũ vị tử. Chất lượng của S. chinensis được cho là cao hơn so với S. sphenanthera. Trong nghiên cứu này, lần đầu tiên kỹ thuật ion hóa theo cơ chế giải hấp phụ sử dụng nguồn laser với sự trợ giúp của chất nền ghép nối với detector khối phổ (MALDI-MS) được xây dựng để phân biệt nhanh S. sphenanthera và S. chinensis. Phổ MALDI-MS thu được từ việc chiết xuất mẫu đơn giản cho thấy sự khác nhau điển hình giữa hai loài. S. sphenanthera và S.chinensis có thể phân biệt rõ ràng dựa vào các hợp chất đặc thù (như: schisandrin có m/z là 432 đổi với loài S. chinensis và schisantherin A có m/z 575 đối với loài S. sphenanthera), tín hiệu píc đặc trưng (m/z 416 so với m/z 415 và m/z 138 so với m/z 136), và phân tích thành phần chính của phổ đồ. Phân tích trực tiếp bột mẫu hai loài S. chinensis và S. sphenanthera bằng MALDI-MS cũng có thể phân biệt được hai loài này. Phương pháp này nhanh chóng, đơn giản, chắc chắn và có độ tin cậy cao để phân biệt hai loài S. sphenanthera và S. chinensis.

Nguyễn Đình Quân

  1.  

SPHENADILACTON A VÀ B,  HAI NORTRITERPENOID MỚI TỪ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Wei-Lie Xiao và cs.

Organic Letters, 2006, vol. 8, 1475 - 1478

Hai hợp chất nortriterpenoid mới, sphenadilacton A (1) và B (2) đã được phân lập từ lá và thân của cây ngũ vị tử (Schisandra sphenanthera). Việc làm sáng tỏ cấu trúc hóa học của hợp chất 1 và 2 được thực hiện bởi phân tích NMR mở rộng. Cấu trúc lập thể tương đối của hợp chất 1 được xác định bằng phương pháp phân tích đơn tinh thể bằng tia X. Cả hai hợp chất được thử nghiệm khả năng gây độc tế bào trên các dòng tế bào K562, A549, và HT-29, và hợp chất 1 được thử nghiệm thêm về hoạt tính chống HIV-1.

Nguyễn Quốc Tuấn

  1.  

SCHINALACTONE A, MỘT TRITERPENOID MỚI CÓ HOẠT TÍNH ĐỘC TẾ BÀO TỪ NGŨ VỊ TỬ NAM

(SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Fei He và cs.

Organic Letter, 2010, vol 12: 1208 - 1211

Một triterpenoid mới có tác dụng gây độc tế bào, schinalacton A (1), cùng với hai hợp chất mới có liên quan về sinh học di truyền, schinalacton B (2) và C (3), đã được phân lập từ rễ và thân của cây ngũ vị tử (Schisandra sphenanthera). Cấu trúc hóa học của các hợp chất được làm sáng tỏ dựa trên cơ sở phân tích quang phổ mở rộng. Các hợp chất 1 và 2 cho thấy có độc tính tế bào đáng kể đối với các dòng tế bào PANC-1 với giá trị IC50 tương ứng là 5,9 và 4,1 μM. Một con đường sinh tổng hợp đáng tin cậy của hợp chất 1 cũng được đưa ra.

Nguyễn Quốc Tuấn

 

  1.  

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI 11 LIGNAN TIÊU BIỂU TRONG NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) BẰNG HPLC

Hu và cs.

Pharmacognosy magazine2013. 9(34): 155

Giới thiệu: Ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis) là một vị dược liệu quý trong Y học cổ truyền Trung Quốc, và trong Dược điển Trung Quốc xuất bản lần thứ 9 quy định là quả đã sấy khô của cây S.chinensis. Các hợp chất lignan là những thành phần chính được phân lập từ các dịch chiết của S. chinenis và hàm lượng của các lignan thay đổi tùy theo địa điểm thu hái. Trong nghiên cứu này, một phương pháp định tính và định lượng dựa trên các lignan có hoạt tính sinh học đã được xây dựng để kiếm soát chất lượng S. chinensis từ các vùng khác nhau.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao, sử dụng cột Elite ODS C18 (250 mm × 4.6 mm, 5 µm), nhiệt đột cột 30 oC và tốc độ dòng là 1,0 ml/ phút pha động là acetonitril (A) và nước (B) với gradient tuyến tính và bước sóng phát hiện là 217 nm.

Kết quả: Tất cả đường chuẩn đều cho thấy sự tuyến tính tốt (r ≥ 0.9995) trong giới hạn thử nghiệm. Phương pháp có độ lặp lại tốt cho việc định lượng 11 hợp chất chính của S. chinenis với độ lệch chuẩn tương đối (RSD) trong ngày nhỏ hơn 0,43% và RSD liên ngày nhỏ hơn 1,21%. Độ thu hồi của phương pháp nằm trong khoảng từ 99,51 % đến 101,31% với RSD nhỏ hơn 2,68%.

Kết luận: Phương pháp HPLC được thẩm định đã được áp dụng thành công để định lượng 11 hợp chất chính trong 22 mẫu S. chinensis thu hái tại các vùng khác nhau.

Nguyễn Thị Nụ

  1.  

ĐẶC TÍNH CỦA BỐN HỢP CHẤT FLAVONOID TỪ THÂN CÂY NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS)

Jun-Xia Liu và cs.

Chemistry of Natural Compounds, 2017, 53(1): 154-155

Ngũ vị tử bắc [Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.] là một loại thuốc truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc đã được sử dụng từ lâu, đặc biệt là trong y học dân gian vùng đông bắc Trung Quốc. Vị thuốc này được ghi nhận chính thức trong Dược điển Trung Quốc dưới dạng thuốc bổ, thuốc an thần và làm se da. Trên thị trường thực phẩm sức khỏe, các sản phẩm có chứa S. chinensis thường được quảng cáo là có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh hoặc bảo vệ gan. Về mặt hóa học, các hợp chất lignan và triterpenoid đã được tìm thấy trong loài cây này, và rất nhiều trong số chúng có các hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trước đây đã tập trung vào các lignan và triterpenoid của quả và hạt của S. chinensis nhưng chỉ một số ít nghiên cứu trên các thành phần khác từ thân cây S. chinensis. Trong bài báo này, bốn hợp chất flavonoid là quercetin-3-O-D-xylopyranosid, isorhamnetin-3-O-D-glucopyranosid, genistein-7-O-D- glucopyranosid và catechin-7-O-D-glucopyranosid, lần đầu tiên được phân lập từ thân cây S. chinensis.

Man Thanh Long

  1.  

ĐỊNH LƯỢNG ĐỒNG THỜI 15 LIGNAN TRONG QUẢ CỦA NGŨ VỊ TỬ BẮC [SCHISANDRA CHINENSIS (TURCZ.) BAILL.] BẰNG PHƯƠNG PHÁP LC-MS

Xinxiu Deng và cs.

Chromatographia, 2008, 67(7): 559-566

Lần đầu tiên, một phương pháp quang phổ khối sắc ký lỏng (LC-MS) đơn giản, nhanh chóng và đặc hiệu được triển khai và thẩm định để định lượng đồng thời 15 lignan từ quả của ngũ vị tử bắc [Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.]. Các mẫu được chiết siêu âm bằng methanol. Việc phân tách sắc ký được thực hiện trên cột C18 với hỗn hợp methanol-acid acetic 0,1% tỉ lệ 72:28 (v/v) làm pha động với tốc độ dòng 0,8 ml/min; thời gian chạy là 40 phút. Các chất phân tích được theo dõi bằng cách theo dõi ion (SIM) đã chọn với phương pháp ion hóa phun điện tử (ESI). Mười lăm phương trình hồi quy cho thấy mối tương quan tuyến tính tốt (r 2 > 0,99) giữa diện tích pic và nồng độ. Độ chính xác trong từng đợt và giữa các đợt của phương pháp cho 15 lignan là < 9,5% và độ chính xác là 93,1-107,5%. Phương pháp LC-MS được thẩm định đã được áp dụng thành công để định lượng 15 hợp chất trong quả S. chinensis được mua từ các vùng khác nhau của Trung Quốc. Các kết quả chỉ ra rằng phương pháp này có thể được sử dụng để kiểm soát chất lượng của quả S. chinensis và cũng có thể hữu ích cho các nghiên cứu tiếp theo về lignan.

Man Thanh Long

  1.  

ĐÁNH GIÁ ĐA YẾU TỐ TRONG QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT LIGNAN TỔNG TỪ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

DENG Chong và cs.

Chinese Journal of Experimental Traditional Medical Formulae 9 (2011): 003

Mục tiêu: Tối ưu quy trình chiết xuất lignan tổng từ ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera)Phương pháp: Các điều kiện chiết xuất tốt nhất được xác định bằng quang phổ tử ngoại và HPLC dựa trên thử nghiệm về lignan tổng trong S. sphenanthera; và thiết kế các thí nghiệm trực giao để so sánh với lignan tổng trong ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis) và schizandrol A là chỉ số đánh giá, sử dụng phương pháp chiết hồi lưu với các yếu tố về thời gian chiết, nồng độ ethanol và lượng dung môi được tối ưu hóa. Kết quả: Quy trình chiết tối ưu bao gồm: tỉ lệ 1:16 ethanol 55%, 2 lần chiết (60 phút/lần). Kết luận: Quy trình chiết xuất S. sphenanthera được tối ưu bằng phương pháp đánh giá tổng hợp đa yếu tố có thể cung cấp các tài liệu cho nghiên cứu tinh chế lignan tổng từ S.sphenanthera

Đặng Tuấn Anh

  1.  

TỐI ƯU CHIẾT XUẤT CÁC HỢP CHẤT TỪ NGŨ VỊ TỬ 
NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA) BẰNG MÔ HÌNH PHỨC HỢP TRUNG TÂM/PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT

XIAO Li và cs.

Chinese Journal of Experimental Traditional Medical Formulae 10.16 (2010): 22-25.

Mục tiêu: Nghiên cứu quá trình chiết xuất tối ưu cho các hợp chất từ ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera) bằng mô hình phức hợp trung tâm/ phương pháp đáp ứng bề mặt. Phương pháp: Các biến độc lập là nồng độ ethanol, thời gian chiết hồi lưu và tỉ lệ thể tích dung môi/dược liệu, các biến phụ thuộc là hiệu suất chiết của schisandrin A. Các mô hình toán học tuyến tính và phi tuyến tính được sử dụng để xác định mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc. Phương pháp đáp ứng bề mặt được dùng để tối ưu quá trình chiết xuất. Từ việc so sánh các giá trị đo được và các giá trị tính toán để đưa ra các kết luận. Kết quả: Hệ số hồi quy của mô hình phương trình bậc hai thu được cao (0.9565). Điều kiện chiết xuất tối ưu là nồng độ ethanol 62%, 5 giờ chiết hồi lưu, tỉ lệ dung môi/dược liệu là 11,2 và chiết 2 lần. Sự sai lệch giữa giá trị đo được và tính toán là 1,22%. Kết luận: Giá trị đo được và tính toán khá gần nhau, chứng tỏ mô hình tối ưu là hợp lý và có thể dự đoán được.

Đặng Tuấn Anh

  1.  

TỐI ƯU QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT VÀ PHÂN TÍCH THÀNH PHẦN CỦA DẦU TRONG HẠT NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA) BẰNG COSIÊU TỚI HẠN

CHENG Min và cs.

College of Biomedicine and Food EngineeringShangluo UniversityShangluo 726000China

Mục tiêu: Tối ưu các điều kiện chiết xuất dầu trong hạt ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera) bằng kỹ thuật chiết xuất COsiêu tới hạn và xác định các thành phần bằng GC-MS. Phương pháp: Hạt Ngũ vị tử được dùng để thử nghiệm, sử dụng phương pháp đáp ứng bề mặt để tối ưu quy trình chiết xuất bằng COsiêu tới hạn, và GC-MS được dùng để xác định thành phần dầu trong hạt ngũ vị tử. Kết quả: Một phương trình được thiết lập và được dùng để tối ưu các thông số quy trình chiết dầu trong hạt bằng CO­2 siêu tới hạn. Các thông số tối ưu cho quy trình chiết là: áp suất 33 MPa, nhiệt độ 53 oC, thời gian chiết 90 phút, tốc độ dòng CO2 là 21.40 ml/phút. Trong điều kiện này, hiệu suất chiết dầu trong hạt Ngũ vị tử là 7.97%, và được phân tích bằng GC-MS, xác định được 23 hợp chất. Trong số những hợp chất này, (1α,4a. β,8a. α)-1,2,3,4,4a,5,6,8a-octahydro-7-methyl-4-methylen-1-(1 methylethenyl)-naphthalen; (-)-1,7-dimethyl-7-(4- methyl-3- pentenyl)tricyclo[2.2.1.0(2,6)]heptan và (R)-2,4a,5,6,7,8-octahydro-3,5,5,9-tetramethyl-1H-(σ-phenyl) cyclohepten có hàm lượng lớn hơn 10% (tương ứng là 27.78%, 14.77%, 13.12%). Kết luận: Quy trình này có hiệu suất chiết cao, vận hành nhanh và đơn giản, có thể sử dụng để chiết dầu trong hạt ngũ vị tử.

Đỗ Tiến Tùng

  1.  

THÀNH PHẦN VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA CÁC DỊCH CHIẾT KHÁC NHAU TỪ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA) VÀ NGŨ VỊ TỬ 
BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS

Constance Huyke và cs

Planta medica 73.10 (2007): 1116-1126

Thực vật thuộc họ Schisandraceae chứa nhiều loại lignan mang hoạt tính như schizandrin, deoxyschizandrin, deangeloylgomisin B, gomisin A, gomisin O, γ-schizandrin và isogomisin O. Chúng tôi so sánh thành phần của các dịch chiết phân cực và không phân cực của ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera) và ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis). Chúng tôi cũng sàng lọc các dịch chiết cho hoạt tính chống tăng sinh và chống viêm trong các thử nghiệm khác nhau có và không có tế bào. Các dịch chiết với dung môi không phân cực CO2, hexane và CO2/5% ethanol có thành phần như nhau. Ngược lại, dịch chiết phân cực với ethanol cho hiệu suất cao hơn đáng kể nhưng hàm lượng các chất bay hơi và lignan thấp hơn khi so với dịch chiết không phân cực. Sự tăng sinh của các dòng tế bào biểu bì HaCaT và A431 bị ức chế theo liều bởi cả hai dịch chiết ngũ vị tử nam và ngũ vị tử bắc, dịch chiết không phân cực có tác dụng vượt trội so với dịch chiết phân cực. Dịch chiết không phân cực của ngũ vị tử nam có hoạt tính mạnh nhất với nửa nồng độ ức chế tối đa là 20 µg/mL. Trong thử nghiệm ức chế enzym không tế bào với cyclooxygenase-2 (COX-2) tái tổ hợp, dịch chiết không phân cực của ngũ vị tử nam ức chế theo liều sự sản sinh prostagladin (PG) được xúc tác bởi COX-2 (IC50= 0.2 µg/mL). Nó cũng giảm sự sản sinh PGE2 tạo ra bởi tia cực tím-B (IC50= 4 µg/mL) và biểu hiện của COX-2 trong tế bào HaCaT. Chúng tôi kết luận rằng dịch chiết không phân cực của ngũ vị tử nam bằng chiết COcó tác dụng ngăn ngừa và điều trị các bệnh viêm và tăng sinh ở da.

                                                                                       Đỗ Tiến Tùng

  1.  

SỰ THAY ĐỔI HÀM LƯỢNG LIGNAN TRONG NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) VÀ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Min Zhu và cs

Chromatographia 66.1-2 (2007): 125-128

Một kỹ thuật chiết xuất nhanh chóng và dễ dàng theo sau đó là phân tích bằng HPLC được phát triển để xác định các lignan trong ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.) và ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera Rehd. et Wils.). Với các điều kiện được tối ưu hóa, các lignan schisandrin, schisantherin, deoxyschisandrin và c-schisandrin được chiết xuất từ mười mẫu thu hoạch ở các vùng khác nhau của Trung Quốc và được định lượng bằng HPLC. Hàm lượng lignan trong mười mẫu là khác nhau. Ngũ vị tử nam giàu deoxyschisandrin nhưng lại ít schisandrin hơn và không có c-schisandrin. Ngũ vị tử bắc thường giàu c-schisandrin, hàm lượng tối đa đạt 4.263 mg.g-1, mặc dù có một mẫu không có. Phương pháp này đơn giản, nhanh chóng, độ nhạy cao và có độ lặp lại, và phù hợp để xác định và phân biệt các mẫu từ các vùng khác nhau của Trung Quốc.

Hoàng Thành Dương

  1.  

XÁC ĐỊNH CÁC LIGNAN TRONG NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA) VÀ NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) SỬ DỤNG CHIẾT XUẤT CHẤT LỎNG ION CÓ HỖ 
TRỢ SIÊU ÂM VÀ SẮC KÝ LỎNG HIỆU NĂNG CAO

GUAN Lianyue1 và cs.

Chemical Research in Chinese Universities 34.6 (2018): 887-892

Một kỹ thuật tiền xử lý mẫu nhanh, chính xác và thân thiện môi trường, chiết chất lỏng ion có hỗ trợ siêu âm kết hợp tách bằng HPLC để xác định các thành phần có hoạt tính trong ngũ vị tử nam (Schisandra sphenanthera) và ngũ vị tử bắc (Schisandra chinensis) bao gồm schisantherin A, schisandrin A và deoxyschizandrin. Bốn loại chất lỏng ion khác nhau được nghiên cứu và cuối cùng chọn [C6MIM] [BF4] được sử dụng làm dung môi chiết. Ngũ vị tử nam và ngũ vị tử bắc ở dạng bột được trộn với [C6MIM] [BF4] để tạo huyền phù. Dạng huyền phù này được chiết siêu âm trong bể nước tại nhiệt độ phòng. Một vài thông số của quy trình được tối ưu, bao gồm loại chất lỏng ion được sử dụng và thể tích dùng, lượng mẫu, kích thước hạt mẫu, thời gian chiết,..... Đường cong hiệu chuẩn HPLC được thiết lập cho tất cả chất được phân tích và được chứng minh là tuyến tính (r>0.9999). Giới hạn phát hiện thấp nhất cho schisandrin A là 0,12 μg/mL, schisantherin là 0,08 μg/mL và cho deoxyschizandrin là 0,10 μg/mL. Độ thu hồi của các hợp chất ban đầu là từ 74,19% đến 109,33%. Độ lệch chuẩn không quá 6,31 %. Ngược với các phương pháp chiết xuất thông thường, chiết xuất sử dụng chất lỏng ion có hỗ trợ siêu âm không dùng dung môi hữu cơ dễ bay hơi, và thời gian phân tích, lượng mẫu yêu cầu và thể tích dung môi đều ít hơn so với các kỹ thuật thông thường.

Hoàng Thành Dương

  1.  

NORTRITERPENOID VÀ LIGNAN TỪ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA

Wei-Lie Xiao và cs.

Phytochemistry 69,16 (2008): 2862-2866

Nortriterpenoid, sphenadilactone C (1) và sphenasin A (2), cùng với bốn lignan đã biết (3-6), được phân lập từ lá và cành của ngũ vị tử nam. Cấu trúc của chúng được làm rõ bằng phân tích dữ liệu phổ NMR 1 chiều, 2 chiều và hợp chất 2 được xác nhận thêm bằng nhiễu xạ tia X đơn tinh thể. Hợp chất 1 có tính chất một phân tử enol bán phần và một nhóm acetamid trong cấu trúc. Thêm vào đó, các hợp chất 1, 3-6 thể hiện hoạt tính chống HIV -1 yếu với giá trị EC50  trong khoảng từ 15,5 – 29,5 µg/mL.

Nguyễn Đức Nhân, Đỗ Quang Thái

  1.  

NGHIÊN CỨU SO SÁNH VỀ THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA CỦA QUẢ NGŨ VỊ TỬ BẮC (SCHISANDRA CHINENSIS) VÀ NGŨ VỊ TỬ NAM (SCHISANDRA SPHENANTHERA)

Zhaoshuai Wang và cs.

Journal of Medicinal Plants Research 5.7 (2011): 1207-1216

Thành phần hóa học và hoạt tính chống oxy hóa của c&aacut

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

Ba gạc bốn lá

Ba gạc Cu Ba cây nhỏ, sống nhiều năm, cao 1- 2 m, phân cành nhiều, lá mọc vòng. Ra hoa từ tháng 4 kéo dài đến tháng 6 - 7. Quả chín từ tháng 8 - 9 đến tháng10 - 11. Quả đôi, dính chặt vào nhau, vỏ ngoài cứng khi chín có mầu đỏ sau đến tím đen.