BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1/2020 - BÁCH BỘ
Bản tin dược liệu số 1/2020
TT |
BẢN DỊCH |
|
BÁCH BỘ NGĂN NGỪA VIÊM PHỔI DO ỨC CHẾ SỰ TĂNG CƯỜNG VÀ KÍCH HOẠT CÁC ĐẠI THỰC BÀO IN VIVO VÀ IN VITRO
Lim D và cs. Journal of Ethnopharmacology, 2015 Feb 3;160:41-51
Đặc tính dược lý cổ truyền: Bách bộ (Stemona tuberosa, ST) là một thuốc thảo dược truyền thống được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp ở Đông Á. Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu tiến hành đánh giá tác dụng chống viêm của dịch chiết nước ST trên các đại thực bào RAW 264,7 được kích thích bằng lipopolysaccharid (LPS) và trên các mô hình chuột viêm phổi do khói thuốc lá (CS). Vật liệu và phương pháp: Các đại thực bào RAW 264,7 được xử lý với dịch chiết ST và được kích thích bằng LPS. Sự biểu hiện của các chất trung gian tiền viêm được đánh giá bằng cách sử dụng xét nghiệm nitric oxid (NO), xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzym ELISA (enzyme-linked immunosorbent assay) và Western blot. Chuột C57BL/6 được phơi nhiễm với CS, sau đó được điều trị với dịch chiết ST. Đánh giá thông qua số lượng tế bào viêm tích lũy trong dịch phế quản-phế nang (BALF). Phản ứng PCR (real-time polymerase chain reaction) và nhuộm với hematoxylin và eosin được thực hiện trên mô phổi. Kết quả: Việc xử lý tế bào với dịch chiết ST làm giảm sản xuất NO thông qua việc ngăn chặn biểu hiện của cyclooxygenase-2 và protein cảm ứng tổng hợp nitric oxid trong các đại thực bào RAW 264,7. Ngoài ra, xử lý tế bào với dịch chiết ST làm giảm sự tiết các cytokin gây viêm và điều hòa sự hoạt hóa NF-κB bằng cách ức chế quá trình phosphoryl hóa IκB và con đường tín hiệu protein kinase hoạt hóa phân bào (MAPK). Sử dụng dịch chiết ST trên chuột nhắt trắng làm giảm sự xâm nhập của đại thực bào vào BALF và những thay đổi mô học phổi. Hơn nữa, việc sử dụng dịch chiết ST điều hòa mức độ của yếu tố hoại tử khối u TNF- α, interleukin (IL) -6, IL-1β, monocyte chemoattractant protein-1 và matrix metalloproteinases-12 trong phổi. Kết quả: Những phát hiện này cho thấy rằng dịch chiết ST làm giảm các đáp ứng viêm phổi bằng cách ức chế biểu hiện của nhiều chất trung gian gây viêm khác nhau trên cả thử nghiệm in vivo và in vitro.
Nguyễn Mai Trúc Tiên, Nguyễn Hoàng Minh
|
|
NEOTUBEROSTEMONIN LÀM GIẢM XƠ HÓA PHỔI DO BLEOMYCIN GÂY RA BẰNG CÁCH NGĂN CHẶN VIỆC TẬP HỢP VÀ KÍCH HOẠT CÁC ĐẠI THỰC BÀO
Xiang và cs. Int Immunopharmacol, 2016 Jun;36:158-164
Neotuberostemonin (NTS) là một trong những alkaloid kháng ho chính trong rễ của cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.). Nghiên cứu này nhằm mục đích khảo sát các tác dụng của NTS trên bệnh xơ phổi do bleomycin (BLM) gây ra ở chuột và cơ chế cơ bản. Sau khi cho chuột sử dụng BLM, NTS được cho chuột uống ở liều 20 và 40 mg/kg mỗi ngày từ ngày 8 đến 21, với nintedanib là một chứng dương. Tác dụng của NTS đối với chuột bị xơ hóa phổi gây bởi BLM được đánh giá thông qua kiểm tra mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm HE và Masson’s trichrome, nồng độ TGF-β1 và sự tập hợp đại thực bào bằng phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch, khảo sát biểu hiện thành phần tiền xơ hóa và phân cực đại thực bào M1/M2 bằng phương pháp western blot. Các tế bào RAW 264.7 được sử dụng để đánh giá liệu NTS (1, 10, 100 μM) có ảnh hưởng trực tiếp đến các đại thực bào hay không. Kết quả cho thấy việc điều trị của NTS làm cải thiện đáng kể các thay đổi mô bệnh học phổi và giảm số lượng tế bào viêm trong dịch rửa phế quản. Sự biểu hiện quá mức của collagen, α-SMA và TGF-β1 đã giảm bởi NTS. Hơn nữa, NTS hạ thấp rõ rệt biểu hiện của MMP-2 và TIMP-1 trong khi tăng biểu hiện của MMP-9. Một phân tích sâu hơn cho thấy NTS có khả năng giảm việc tập hợp của các đại thực bào và ức chế sự phân bào M2 trong các mô phổi của chuột. Thử nghiệm in vitro cho thấy NTS đã giảm đáng kể biểu hiện arginase-1 (marker cho M2) phụ thuộc liều nhưng điều hòa giảm biểu hiện iNOS (marker cho M1) chỉ ở mức 100 μM. Kết luận, nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên chứng minh rằng NTS có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với xơ phổi do BLM gây ra thông qua việc ngăn chặn sự tập hợp và phân bào M2 của các đại thực bào. Lý Hải Triều, Lê Văn Minh |
|
NEOTUBEROSTEMONIN ỨC CHẾ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỦA HỦY CỐT BÀO THÔNG QUA SỰ PHONG TỎA CON ĐƯỜNG NF-κB
Yun và cs. Biochimie, 2019 Feb;157:81-91
Loãng xương được cho là do khối lượng xương bị giảm thấp phát sinh từ các tương tác tế bào giữa sự tạo xương và sự tái hấp thu xương. Quá trình hình thành của hủy cốt bào (Osteoclastogenesis) được gây ra bởi M-CSF và RANKL trong các dòng tế bào tạo máu. Khi phức hợp RANK/RANKL được hình thành, TRAF6 được tập hợp và kích hoạt hoạt động của con đường NF-κB và sự biểu hiện của các gen liên quan đến hủy cốt bào bao gồm NFATc1. Neotuberostemonin (NTS) là một hoạt chất được phân lập từ cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.). Về mặt dược lý, NTS được biết với tác dụng chống ho, chống xơ hóa, chống viêm thông qua việc điều hòa đại thực bào. Tuy nhiên, ảnh hưởng của NTS đến quá trình hình thành hủy cốt bào chưa được báo cáo. Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát xem liệu NTS có thể điều chỉnh quá trình hình thành hủy cốt bào được gây ra bởi RANKL hoặc tế bào ung thư. Chúng tôi thấy rằng NTS ức chế quá trình hình thành hủy cốt bào qua trung gian RANKL hoặc tế bào ung thư- thông qua phong tỏa hoạt động của TRAF6 và NF-κB. NTS cũng làm suy yếu sự hình thành cấu trúc vòng F-actin, một đặc tính quan trọng của quá trình biệt hóa và chức năng của hủy cốt bào. Những kết quả này chỉ ra rằng NTS có thể là một ứng cử viên trong việc phòng ngừa và điều trị những bệnh liên quan đến xương và NTS cung cấp những hiểu biết sâu sắc về các cơ chế phân tử ảnh hưởng đến quá trình hình thành hủy cốt bào. Lý Hải Triều, Lê Văn Minh |
|
CÁC STEMONA ALKALOID ỨC CHẾ VÒNG PHẢN HỒI TÍCH CỰC GIỮA PHÂN BÀO M2 VÀ BIỆT HÓA NGUYÊN BÀO SỢI BẰNG CÁCH ỨC CHẾ CON ĐƯỜNG JAK2/STAT3 TRONG CÁC NGUYÊN BÀO SỢI VÀ CON ĐƯỜNG CXCR4/PI3K/AKT1 TRONG CÁC ĐẠI THỰC BÀO
Ding và cs. Int Immunopharmacol, 2019 Jul;72:385-394
Nghiên cứu này nhằm mục đích nghiên cứu sự tương tác giữa các đại thực bào và các nguyên bào sợi trong xơ hóa phổi và sự ảnh hưởng của alkaloid tổng từ cây bách bộ (Stemona tuberosa) (STA, 9 alkaloid với hàm lượng tương đối 91,2%). Môi trường nuôi cấy của các đại thực bào gây bởi LPS hay IL-4 được sử dụng như môi trường có điều kiện (CM) để nuôi cấy cùng với các nguyên bào sợi nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các đại thực bào lên sự biệt hóa của các nguyên bào sợi. Tương tự như vậy, CM của các nguyên bào sợi do TGF-β1 gây ra được nuôi cấy cùng các đại thực bào nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của các nguyên bào sợi đối với sự phân bào của các đại thực bào. Kết quả cho thấy mức độ TGF-β1 trong các đại thực bào gây ra do IL-4 (M2) cao điển hình hơn mức độ TGF-β1 trong các đại thực bào gây ra do LPS (M1) (p < 0,001) và mức độ SDF-1 trong các nguyên bào sợi do TGF-β1 gây ra (MF) cao đáng kể (p < 0,001). Sự biểu hiện của α-SMA và Col-1 trong các nguyên bào sợi gây ra bởi M2-CM và biểu hiện của Arg-1 và CXCR4 trong các đại thực bào gây ra bởi MF-CM tăng đáng kể (p < 0,01). STA làm giảm hiệu quả các biểu hiện của α-SMA (p < 0,05, 0,01 tại 10, 100 μg/ml), Col-1 (p < 0,05, 0,05, 0,01 tại 1, 10, 100 μg/ml), Arg-1 (p < 0,01 tại 1, 10, 100 μg/ml) và CXCR4 (p < 0,01, 0,001 tại 10, 100 μg/ml), chúng phù hợp với kết quả thử nghiệm in vivo. Những kết quả này cho thấy có một vòng phản hồi tích cực giữa sự phân bào M2 và sự biệt hóa nguyên bào sợi trong xơ hóa phổi. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy rằng phiên mã gen sdf-1 trong MF được bắt đầu bằng con đường JAK2/STAT3 và sự phân bào M2 được thúc đẩy bằng con đường SDF-1/CXCR4/PI3K/AKT1. STA đã chặn vòng phản hồi bằng cách ức chế con đường JAK2/STAT3 trong các nguyên bào sợi và con đường CXCR4-PI3K/AKT1 trong các đại thực bào. Lý Hải Triều, Lê Văn Minh |
|
NEOTUBEROSTEMONINE ỨC CHẾ SỰ BIỆT HÓA CỦA NGUYÊN BÀO SỢI PHỔI THÀNH NGUYÊN BÀO SỢI CƠ TRÊN CHUỘT BẰNG CÁCH ĐIỀU CHỈNH TÍN HIỆU HIF-1A
Xin-Miao Lv và cs. Acta Pharmacol Sin, 2018 Sep; 39(9):1501-1512
Xơ phổi có thể là một phần kết quả của việc sửa chữa mô bị hủy bỏ để đáp ứng với tình trạng thiếu oxy mãn tính. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã khám phá những ảnh hưởng của tình trạng thiếu oxy (hypoxia) đối với nguyên bào sợi phổi và tác dụng của neotuberostemonin (NTS), một alkaloid tự nhiên được phân lập từ cây bách bộ (Stemona tuberosa), trong việc kích hoạt nguyên bào sợi in vitro và in vivo. PLFs (nguyên bào sợi phổi chuột sơ cấp) đã được kích hoạt và biệt hóa sau khi tiếp xúc với 1% O2 hoặc điều trị bằng CoCl2 (100 μmol/μl), được chứng minh bằng sự biểu hiện protein hoặc mRNA tăng rõ rệt của HIF-1α, TGF-β, FGF2, α-SMA và Col-1α/3α, sau đó các biểu hiện này đã bị chặn khi vô hiệu hóa gen HIF-1α (hypoxia-inducible factor (HIF)-1α gene silenced), đề nghị rằng việc kích hoạt nguyên bào sợi phụ thuộc vào HIF-1α. NTS (0,1-10 μmol/l) ức chế phụ thuộc liều sự hoạt hóa và biệt hóa của PLFs gây bởi hypoxia, trong khi tác dụng ức chế của NTS bị bất hoạt khi đồng điều trị bằng MG132, một chất ức chế proteasom. Vì sự prolyl hydroxyl hóa là một bước quan trọng trong giai đoạn khởi đầu thoái hóa HIF-1α, chúng tôi tiếp tục chỉ ra rằng điều trị với NTS đảo ngược sự giảm biểu hiện của HIF-1α bị prolyl hydroxy hóa gây bởi hypoxia hoặc CoCl2. Kết quả nhuộm miễn dịch huỳnh quang hypoxyprobe cho thấy việc điều trị với NTS trực tiếp đảo ngược tình trạng căng thẳng oxy thấp hơn trong các PLF được tiếp xúc với hypoxia. Trong một mô hình chuột bị xơ phổi, lô điều trị bằng NTS (30 mg/kg/ngày, trong 1 hoặc 2 tuần) làm giảm xơ phổi do bleomycin gây ra bằng cách ức chế mức độ HIF-1α và các yếu tố tiền xơ hóa sản phẩm của HIF-1α (như TGF- β, FGF2 và α-SMA). Kết hợp lại, những kết quả này chứng minh rằng NTS ức chế biểu hiện protein HIF-1α và các yếu tố tiền xơ hóa sản phẩm của HIF-1α là TGF-β, FGF2 và α-SMA cả trong các nguyên bào sợi gây bởi hypoxia và trong các mô phổi của chuột được điều trị bằng BLM. NTS với hoạt tính chống HIF-1α có thể là một tác nhân dược lý đầy hứa hẹn trong điều trị xơ phổi.
Phạm Nguyễn Minh Trang, Lý Hải Triều |
|
NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG Y HỌC CỔ TRUYỀN CỦA LOÀI BÁCH BỘ (STEMONA TUBEROSA LOUR.), MỘT DƯỢC LIỆU TIỀM NĂNG CỦA ARUNACHAL PRADESH, ẤN ĐỘ
Pankaj Bharali và cs. Journal of Bioresources 2(1): 23-32 (2015) ISSN 2394-4315
Bang Arunachal Pradesh được báo cáo có ít nhất 500 loài cây thuốc và cây có tác dụng dược lý quan trọng. Trong số đó, bách bộ (Stemona tuberosa Lour., họ Stemonaceae) đóng vai trò quan trọng trong việc chữa các bệnh khác nhau. Rễ củ bách bộ được thông báo có tính chất kháng ấu trùng. Rễ củ của loài cũng được sử dụng để làm giống gieo trồng và làm thuốc đuổi muỗi. Dịch chiết nước của rễ củ được dùng uống để giảm đau bụng, đau khớp và rối loạn dạ dày. Dịch chiết từ rễ cũng được dùng để điều trị bệnh sốt rét. Nghiên cứu này nhằm xác định các thành phần dinh dưỡng và các tác dụng y học cổ truyền của bách bộ. Các thành phần như hàm lượng tro (2,87%), độ ẩm (6,82%), tổng lượng đường (20.32%), protein thô (10,06%), chất béo thô (0,67%) v.v… đã được xác định. Các khoáng chất như Na (0,25%), K (0,54%), P (1,26%), N (1,61%), Fe (0,43%) được phân tích trong rễ củ, qua đó cho thấy giá trị cao về dinh dưỡng. Hàm lượng đường cũng đã được định lượng. Sàng lọc hóa thực vật sơ bộ rễ củ cho thấy số lượng cao các chất chuyển hóa thứ cấp. Các đặc tính hình thái và giải phẫu thực vật đóng một vai trò quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa thuốc thô và trong dược liệu học. Các đặc tính vĩ mô và vi mô của lá, thân và rễ đã được xác định để nhận diện thuốc thô. Nhiều cấu trúc tinh thể dạng hạt và sẫm màu chỉ ra sự hiện diện của các chất chuyển hóa thứ cấp. Công dụng y học cổ truyền của cây thuốc và sự hiện diện các hoạt chất có trong rễ cây này cần được nghiên cứu chi tiết hơn và vì vậy công việc tiếp theo đã được khởi xướng để nghiên cứu hoạt tính sinh học của nó. Trần Trung Nghĩa, Phạm Thị Lý
|
|
SỰ ĐA DẠNG VỀ HÌNH THÁI VÀ HÓA HỌC CỦA CÂY BÁCH BỘ (STEMONA TUBEROSA LOUR.) TỪ MIỀN NAM TRUNG QUỐC - BẰNG CHỨNG VỀ TÍNH KHÔNG ĐỒNG NHẤT CỦA LOÀI CÂY THUỐC NÀY
Chen G và cs. Plant Biol (Stuttg), 2017 Sep;19(5):835-842
Sự tồn tại của các alkaloid và tocopherol có hoạt tính sinh học đã được nghiên cứu trong 15 mẫu bách bộ (S. tuberosa Lour.) có xuất xứ khác nhau được thu thập ở miền nam Trung Quốc, để kiểm tra sự khác biệt về mặt hóa học của cá thể mang các đặc điểm khác nhau về hoa. Các biến thiên về hình thái đã kích thích việc kiểm tra các đặc tính hóa học của những cá thể này. Dịch chiết methanol từ rễ của 15 cá thể bách bộ đã được so sánh với nhau bằng HPLC-UV-DAD/ELSD. Năm trong số bảy hợp chất đã được xác định bằng đồng sắc ký. Hai hợp chất được phân lập và cấu trúc của chúng được xác định bằng NMR và MS. Lượng alkaloid và tocopherol được xác định bằng HPLC-UV-DAD/ELSD với phương pháp chuẩn ngoại. Năm alkaloid, tuberostemonin (1), tuberostemonin A (2), neotubero-stemonin (3), tuberostemonin N (4), stemoninin (5) và hai dẫn xuất 3,4-dehydrotocopherol đã được xác định. Ở bách bộ, sự tích lũy alkaloid có xu hướng hoặc hướng tới tuberostemonin (1) hoặc stemoninin (5). Tất cả các cá thể đều cùng chứa một lượng đáng chú ý các hợp chất 1 hoặc 5 và 3,4-dehydro-δ-tocopherol (6). Các kết quả này trùng với sự khác biệt về hình thái hoa của bách bộ. Bách bộ, theo Thực vật chí Trung Quốc, cho thấy một sự đa dạng đáng kể về hình thái hoa cũng như về sự tích lũy của các alkaloid. Các dữ liệu thu được cho thấy bách bộ cần được tiếp tục phân định loài trong tương lai đối với cấp loài hoặc phân loài. Trần Trung Nghĩa, Phạm Thị Lý, Lê Đức Tâm |
|
TÁC DỤNG CỦA DỊCH CHIẾT THÔ TỪ RỄ CÂY BÁCH BỘ (STEMONA TUBEROSA LOUR.) LÊN SỰ SAO CHÉP CỦA AUTOGRAPHA CALIFORNICA MULTIPLE NUCLEOPOLYHEDROVIRUS
Ounruan Petcharawan và cs. Journal of Medicinal Plant Research 10(41):757-762, 2016
Mục đích của công trình này là nghiên cứu tác dụng của các dịch chiết thô từ rễ bách bộ (Stemona tuberosa Lour.) lên sự sao chép của Autographa californica multiple nucleopolyhedrovirus (AcMNPV). Độc tính đối với tế bào của các dịch chiết hexan, dichloromethan và ethanol thô từ rễ bách bộ đã được thử nghiệm trên các dòng tế bào của Spodoptera frugiperda (Sf9) bằng xét nghiệm MTT. Tác dụng gây độc tế bào, thể hiện dưới dạng CC50 (µg/ml) được quan sát sau 48 và 96 h. Kết quả cho thấy dịch chiết dichloromethane độc với tế bào hơn các dịch chiết hexan và ethanol và CC50 sau 96 h đối với dịch chiết dicloromethane là 1,708,98 µg/ml. Dịch chiết dichloromethane thô ở nồng độ 31,25 µg/ml sau đó đã được thử nghiệm trên AcMNPV. Dịch chiết được đưa vào dòng tế bào Sf9 nuôi cấy in vitro 1 giờ sau khi gây nhiễm với AcMNPV với bội số nhiễm (MOI) là 2. Không phát hiện khác biệt đáng kể nào giữa tỷ lệ phần trăm các tế bào bị nhiễm trong mẫu đối chứng và trong mẫu thử với dịch chiết dichloromethane thô. Số lượng trung bình của polyhedra (khối đa diện trung bình, OBs/ml) trong đối chứng (5,11 × 106 ± 0,63 OBs/ml) không khác nhiều so với trong mẫu thử (4,19 × 106 ± 0,31 OBs/ml). Tuy nhiên, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa chuẩn độ virus trung bình (virus vừa chớm nở, budded virus, BV) trong mẫu đối chứng (2,06 × 108 ± 0,71 PFU/ml) và trong mẫu thử (2,65 × 108 ± 0,79 PFU/ml). Dịch chiết dichloromethane thô (31,25 µg/ml) không độc đối với các tế bào Sf9 nhưng nó có thể làm tăng sự sao chép của AcMNPV trong dòng tế bào Sf9 nuôi cấy in vitro. Có thể kết luận rằng bách bộ là một ứng viên tốt cho việc phát triển sản xuất virus ảnh hưởng đến côn trùng trong ống nghiệm để kiểm soát côn trùng gây hại. Trần Trung Nghĩa, Lê Đức Tâm |
|
MỘT HỢP CHẤT MỚI 9,10- DIHYDROPHENANTHRENE VÀ CÁC 3,4-δ- DEHYDROTOCOPHEROL LÀM TĂNG SINH TẾ BÀO ĐƯỢC PHÂN LẬP TỪ BÁCH BỘ
Kil YS và cs. Molecules, 2015;20(4):5965–5974, Published 2015 Apr 3
Một hợp chất mới, 9,10-dihydro-5-methoxy-8-methyl-2,7-phenanthrenediol (1), đã được phân lập từ rễ của bách bộ cùng với hai hợp chất hoạt động quang học mới, (2S, 4'R, 8'R) -3,4-δ-dehydrotocopherol (2) và (2R, 4'R, 8'R) -3,4- -dehydrotocopherol (3). Cấu trúc của các hợp chất 1 - 3 được xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu quang phổ. Mỗi hợp chất 2 và 3 được tinh chế từ hỗn hợp stereoisomeric 2 và 3 bằng HPLC chế hóa sử dụng cột chirus trong lần đầu tiên. Các cấu hình tuyệt đối tại C-2 của 2 và 3 được xác định bằng các thí nghiệm máy quang phổ tròn (CD). Trong một phần của nghiên cứu để tìm ra các chất chữa lành vết thương tự nhiên, tất cả các chủng phân lập và hỗn hợp 2 và 3 đã được đánh giá về tác dụng tăng sinh tế bào của chúng bằng cách sử dụng một dòng tế bào nguyên bào sợi chuột NIH3T3 và một dòng tế bào ung thư cổ tử cung ở người HeLa. Kết quả là, 1, 2, 3 hoặc hỗn hợp 2 và 3 cho thấy có sự gia tăng 41,6%, 78,4%, 118,6%, và 38,2% trên khả năng tăng sinh của nguyên bào sợi chuột NIH3T3 tương ứng, so với mức tăng 28,4% của δ-tocopherol. Hơn nữa, không có chất nào trong số đó gây ra sự tăng sinh tế bào ung thư. Do đó, các 3,4--dehydrotocopherol, đặc biệt là các đồng phân tinh khiết 2 và 3 có thể được đề xuất là tác nhân tiềm năng chữa lành vết thương.
Vương Đình Tuấn, Nguyễn Trọng Chung |
|
THÀNH PHẦN HÓA HỌC CỦA CÁC DIASPORE Ở CÂY BÁCH BỘ
Gao Chen et al. Biochemical Systematics and Ecology, Vol 64, February 2016: 31-37
Các diaspore (là một đơn vị phân tán thực vật bao gồm một hạt hoặc bào tử cộng với bất kỳ mô bổ sung nào giúp phân tán) của thực vật myrmecochory (myrmecochory: hạt bị phân tán bởi kiến) thường bao gồm các elaiosom (thể dầu) giàu chất dinh dưỡng, được gọi là phần phụ của hạt để thu hút kiến cho việc phân tán hạt. Những lợi ích của myrmecochory đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong các nghiên cứu trước đây, chẳng hạn như, các diaspore có thể được mang đến tổ kiến nơi các elaiosom được tiêu thụ và hạt giống được phát tán một cách nguyên vẹn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các phân tán thứ cấp có thể định hình các đặc điểm của diaspore trong myrmecochory. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phân tích chất lượng dinh dưỡng của hạt và các elaiosom tương ứng của chúng ở cây bách bộ, một myrmecochory có diaspore được phân tán bởi kiến và/hoặc ong bắp cày. Kết quả của chúng tôi cho thấy sự khác biệt đáng kể trong mô hình định lượng chất dinh dưỡng tương ứng giữa hạt và elaiosom. Các elaiosom của bách bộ chứa nồng độ protein, axit béo tự do, axit amin tự do, carbohydrat hòa tan và vi chất dinh dưỡng cao hơn đáng kể so với hạt giống. Tỷ lệ khối lượng elaiosom/hạt giống thấp ở bách bộ so với các loài myrmecochory khác có nghĩa là sự phát tán hạt bằng ong bắp cày có thể bị khác với sự phát tán hạt bởi kiến. Để đưa đến kết luận, chúng tôi đề nghị rằng ong bắp cày và kiến có được các chất dinh dưỡng thiết yếu từ các elaiosom của bách bộ và những kết quả này góp phần khẳng định sự tương tác sinh thái giữa thực vật-ong bắp cày-kiến. Nguyễn Trọng Chung |
|
NGHIÊN CỨU BẢO TỒN VÀ RA HOA CÂY BÁCH BỘ (STEMONA TUBEROSA LOUR.), MỘT CÂY THUỐC CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG TRONG ĐIỀU KIỆN IN VITRO
In book: Advances in Plant Research, Edition: First, Chapter: Chapter 3, Publisher: EBH publisher (India), Editors: S.I.Bhuyan & Sony Kumari, pp.41- 59
Một thí nghiệm đã được tiến hành để nghiên cứu ảnh hưởng kết hợp của các chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong nhân giống in vitro cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.) thuộc họ Stemonaceae, một cây thuốc giàu alkaloid và có giá trị vì các đặc tính chữa bệnh. Trong nghiên cứu này, bách bộ đã được nuôi cấy thành công bằng cách sử dụng các đoạn chồi nách có nguồn gốc từ chồi tái sinh. BAP kích thích quá trình nhân, và có thể sử dụng nồng độ 0,5-5,0 mg/L để nhân nhanh. Bổ sung NAA ở nồng độ thấp có lợi cho việc tạo chồi. Hiệu quả và tỷ lệ hình thành chồi cao nhất đạt được sau 30 ngày nuôi cấy trong môi trường MS có chứa 3,0 mg/L BAP. Kết hợp với axit gibberellic đã ảnh hưởng tới sự ra hoa in vitro sau 14-30 ngày. Đây là báo cáo đầu tiên về ra hoa in vitro của bách bộ. Tóm lại, quy trình được chuẩn hóa thông qua nghiên cứu này là một phương pháp nhân nhanh in vitro chồi bách bộ hiệu quả. Trong thực tế, axit gibberellic có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển cây từ trạng thái sinh dưỡng sang trạng thái ra hoa.
Trần Trung Nghĩa |
|
PHÂN TÁN HẠT BỞI ONG BẮP CÀY: MỐI QUAN HỆ TƯƠNG SINH HIẾM GẶP GIỮA CÂY VÀ CÔN TRÙNG
Chen G và cs. J Integr Plant Biol. 2017 Nov;59(11):792-796
Vespicochory, phân tán hạt bằng ong bắp cày, là một cơ chế phân tán hạt hiếm gặp trong thực vật hạt kín và cho đến nay, có rất ít ghi nhận về hiện tượng này. Thông qua các cuộc điều tra thực địa và các thử nghiệm hành vi được thực hiện ở bốn quần thể cây bách bộ (Stemona tuberosa) từ 2011-2016, tác giả đã chứng minh rằng ong bắp cày là tác nhân phân tán hạt chính của cây bách bộ và đóng vai trò quan trọng trong việc phát tán hạt giống "khoảng cách xa" ở loài này. Hơn nữa, một số loài kiến đóng vai trò phân tán thứ cấp và có thể vận chuyển hạt giống đến nơi an toàn. Ong bắp cày và kiến góp phần phân tán hạt ở các phạm vi không gian khác nhau. Ví dụ độc đáo này về quan hệ giữa cây và côn trùng có thể chưa được chú ý nhiều nhưng là một chiến lược quan trọng trong việc đảm bảo phân tán hạt giống "khoảng cách xa" ở các cây trồng khác. Nguyễn Văn Tâm, Trần Thị Trang |
|
SỰ THAY ĐỔI CÁC TÍNH TRẠNG HOA, ĐẶC BIỆT LÀ MÙI HƯƠNG HOA, TRONG CÁC LOÀI STEMONA
Gao Chen và cs. Journal of Integrative Plant Biology, Vol 59, No11, November 2017: 825-839 Hoa hoặc cụm hoa thường biểu hiện các tín hiệu khác nhau, bao gồm tín hiệu thị giác, khứu giác và vị giác, có thể được phát hiện bởi các loài thụ phấn của chúng. Trong nhiều loài thực vật, những tín hiệu này và chức năng của chúng không được hiểu rõ. Giải mã các tương tác giữa tín hiệu hoa và tác nhân thụ phấn là rất quan trọng để phân tích sự thành công trong sinh sản của thực vật có hoa. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã kiểm tra thành phần của các mùi hương hoa hôi được tạo ra bởi một số loài thuộc họ Stemona, bao gồm chín quần thể S. tuberosa từ khắp Trung Quốc, sử dụng phương pháp hấp phụ không gian động, sắc ký khí và kỹ thuật quang phổ khối. Chúng tôi so sánh sự khác biệt về kiểu hình hoa, trong đó có tuổi thọ hoa, tái tạo mật hoa, hoạt động thụ phấn, và chiều dài hoa và màu sắc giữa các loài trong chi bách bộ. Trong số 54 hợp chất mùi được xác định, các hợp chất chính bao gồm fetid dimethyl disulfide, dimethyl trisulfid, 1 pyrrolin, axit butyric, p cresol, rượu isoamyl và indole. Chúng tôi đã phát hiện sự khác biệt đáng chú ý trong mùi hương hoa ở cả cấp độ loài và quần thể, và thậm chí trong một quần thể thực vật có hoa màu khác nhau. Tính trạng hoa liên quan đến thụ phấn kiểu sapromyophily và giả thụ phấn, trong đó có màu hoa thâm tím và ít mật, đã được tìm thấy trong năm loài Stemona, chỉ ra rằng Stemona là một đơn vị phân loại sapromyophilous điển hình. Các loài thuộc chi một lá mầm này có thể sử dụng các chiến lược tiến hóa để khai thác ruồi giấm cho việc thụ phấn. Nguyễn Văn Tâm |
|
HIỆU QUẢ CỦA THUỐC TRỪ SÂU SINH HỌC TRONG TRỪ SÂU HẠI VÀ CHẤT LƯỢNG CỦA BƯỞI (CITRUS MAXIMA MERR.)
U. Pangnakorn và cs. International Journal of Agricultural and Biosystems Engineering Vol:9, No:3, 2015 Tác dụng của thuốc trừ sâu sinh học từ giấm gỗ và các chất chiết xuất từ 3 cây thuốc: bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), dây ký ninh (Tinospora crispa Mier) và dây mật (Derris elliptica Roxb) đã được thử nghiệm trên cây bưởi năm năm tuổi. Bưởi được chọn để nghiên cứu phòng trừ côn trùng gây hại và chất lượng. Địa điểm thử nghiệm được đặt tại vườn trái cây ăn quả của nông dân ở tỉnh Phichit, Thái Lan. Nghiên cứu này được thực hiện trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3). Chất chiết từ thực vật và giấm gỗ được đánh giá trong 6 công thức: 1) nước lã đối chứng; 2) giấm gỗ; 3) S. tuberosa Lour; 4) T. crispa Mier; 5) D. elipica Roxb; 6) hỗn hợp (giấm gỗ + S. tuberosa Lour + T. crispa Mier + D. elliptica Roxb). Thí nghiệm bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn (RCB) với 6 công thức và 3 lần lặp lại cho mỗi công thức. Kết quả cho thấy T. crispa Mier có hiệu quả cao nhất trong việc giảm mật độ bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood) và sâu vẽ bùa hại lá cam quýt (Phyllocnistis citrella Stainton) ở 14,10 và 15,37 tương ứng, tiếp đến là công thức hỗn hợp, D. elliptica Roxb, S. tuberosa Lour. và giấm gỗ ở mức sai khác có ý nghĩa. Ngoài ra, T. crispa Mier đã cải thiện chất lượng của bưởi thu hoạch về độ dày của vỏ ở mức 12,45 mm trong khi S. tuberosa Lour nâng cao chất lượng bưởi về độ cứng của quả (276,5 kg / cm2) và brix (11,0%) . Lê Đức Tâm |
|
BẢO TỒN CÁC LOÀI PHỔ BIẾN BỊ ĐE DỌA: MỘT TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG CÂY THUỐC TRUYỀN THỐNG Ở CHÂU Á
Gao Chen và cs. Biodiversity and Conservation 1, 2019
Thu hái quá mức và mất môi trường sống phát sinh từ các hoạt động của con người là mối đe dọa quan trọng nhất đối với thực vật và động vật. Những nỗ lực bảo tồn nhằm vào các loài cây dược liệu thường tập trung vào các loài đặc hữu, kinh tế và có nguy cơ tuyệt chủng, điển hình là các loài thực vật có quần thể cực nhỏ (PSESP) có nguy cơ tuyệt chủng cao. Tuy nhiên, tương đối ít chú ý đến các cây thuốc truyền thống có phân bố rộng khắp, mặc dù một số loài này, trong đó toàn bộ cây hoặc củ là nguyên liệu làm thuốc, có thể nằm trong diện có nguy cơ tuyệt chủng cục bộ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi kêu gọi các nhà bảo tồn chú ý đến các loài phổ biến đang bị đe dọa. Một cây thuốc truyền thống, bách bộ (Stemona tuberosa), có phân bố bao phủ hơn mười quốc gia ở châu Á, được nghiên cứu chi tiết. Kết quả cho thấy việc thu hoạch rễ củ S. tuberosa quá mức là mối đe dọa chính đối với loài này. Ngoài ra, hạn chế thụ phấn, mất tác nhân phân tán hạt tiềm năng, mất môi trường sống và mô hình phân bố phân tán có thể làm giảm thêm cơ hội sống sót của S. tuberosa. Thông qua các nỗ lực bảo tồn đa ngành được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu và người dân địa phương, chúng tôi đã chứng kiến sự phục hồi sơ bộ của S. tuberosa tại các địa điểm nơi nó được giới thiệu lại. Chúng tôi cho rằng các loài phổ biến bị đe dọa không nên bị bỏ qua trong lĩnh vực bảo tồn. Sự tham gia của địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên có thể giúp làm cho tài nguyên phù hợp hơn với địa phương và do đó bền vững ở các vùng sâu vùng xa. Chúng tôi đề nghị rằng việc phát triển các liên minh nhiều bên nên được khuyến khích để cứu các loài cây dược liệu đang bị đe dọa ở các khu vực kém phát triển. Trần Văn Lộc |
(Nguồn tin: Viện Dược liệu)