Bản tin dược liệu số 05/2019: Cây Bạch Truật
BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 5 - CÂY BẠCH TRUẬT
TT | TIN DỊCH |
1 | TỔNG QUAN: CÁC CÁCH SỬ DỤNG TRUYỀN THỐNG, HÓA THỰC VẬT VÀ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MCROCEPHALA KOIDZ.) |
Chu B và cs. | |
J Ethnopharmacol, 2018 Nov 15;226:143-167 | |
Liên quan đến dược lý cổ truyền: Atractylodes macrocephala Koidz. (được gọi là bạch truật ở Trung Quốc) là cây thuốc từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc bổ trong các nên y học cổ truyền khác nhau ở Đông Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, để điều trị rối loạn chức năng đường tiêu hóa, ung thư, loãng xương, béo phì và an thai. | |
Mục đích của nghiên cứu: Bài tổng quan này nhằm cung cấp một bản tóm tắt có hệ thống về thực vật học, phương thức sử dụng truyền thống, hóa thực vật, dược lý, dược động học và độc tính của bạch truật để khám phá tiềm năng điều trị và tiềm năng khoa học trong tương lai của loại cây này. | |
Phương tiện và phương pháp nghiên cứu: Một hệ thống tìm kiếm tài liệu về A. macrocephala đã được thực hiện trên cơ sở dữ liệu khoa học bao gồm Web of Science, Google Scholar, Baidu Scholar, Springer, PubMed, Sci Downloader và ScienceDirect. Thông tin cũng được thu thập từ các cuốn sách kinh điển của thảo dược Trung Quốc, luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ, các tài liệu chưa được công bố và tài liệu hội nghị địa phương về độc tính học. Phân loại thực vật đã được xác nhận vào cơ sở dữ liệu "Danh sách thực vật" (www.theplantlist.org). | |
Kết quả: Hơn 79 hợp chất hóa học đã được phân lập từ bạch truật, bao gồm các sesquiterpenoid, triterpenoid, polyacetylen, coumarin, phenylpropanoid, flavonoid và flavonoid glycosid, steroid, benzoquinon, và polysaccharid. Cao chiết thô và các hợp chất tinh khiết của bạch truật được sử dụng để điều trị suy giảm chức năng đường tiêu hóa, ung thư, viêm khớp, loãng xương, suy nhược lách, di chuyển bất thường của thai nhi, bệnh Alzheimer và béo phì. Các chất chiết xuất này có tác dụng dược lý khác nhau, bao gồm hoạt tính chống ung thư, chống viêm, chống lão hóa, chống oxy hóa, chống loãng xương, tác dụng bảo vệ thần kinh và điều hòa miễn dịch, cũng như cải thiện chức năng tiêu hóa và điều hòa nội tiết tố hướng sinh dục. | |
Kết luận: Bạch truật là một loại dược liệu cổ truyền với nhiều tác dụng dược lý có giá trị của Trung Quốc. Các nghiên cứu dược lý hỗ trợ việc sử dụng A. macrocephala truyền thống và có thể khẳng định việc sử dụng bạch truật trong y học dân gian để điều trị nhiều bệnh mãn tính. Các tài liệu có sẵn cho thấy rằng phần lớn tác động của bạch truật có thể do các thành phần sesquiterpenoid, polysaccharid và polyacetylen. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ hơn về các cơ chế phân tử và mối quan hệ cấu trúc - chức năng của các thành phần này, cũng như các tác động hiệp đồng và đối kháng tiềm năng của chúng. Việc nghiên cứu sâu hơn để đánh giá toàn diện về chất lượng dược liệu, sự hiểu biết về tác dụng dược lý đa mục tiêu của bạch truật, cũng như độc tính trường diễn in vivo và hiệu quả lâm sàng của bạch truật được đề nghị. | |
Phí Thị Xuyến, Trần Đại Hải | |
2 | CẢI TIẾN PHƯƠNG PHÁP SELENYL HÓA POLYSACCHARID CỦA BẠCH TRUẬT VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT TÍNH CHỐNG OXY HÓA |
Ranran Hou và cs. | |
Advances in Polymer Technology,Volume 2019, Article ID 8191385, 8 pages | |
https://doi.org/10.1155/2019/8191385, Published 1 April 2019 | |
Polysaccharid của bạch truật (AMP) được chiết xuất bằng phương pháp kết tủa chiết xuất cồn – nước và được tinh chế thêm bằng cột DEAE. Sau đó, các polysaccharid được biến đổi bằng phương pháp acid nitric -sodium selenite và thu được chín loại AMPs selenyl hóa (sAMPs), cụ thể là, từ sAMP1 đến sAMP9. AMP và sAMP được đặc trưng bằng phép đo phổ FTIR. Sau đó, các hoạt tính chống oxy hóa của AMP và sAMP in vitro được đo bằng thử nghiệm bắt gốc tự do. Trong số này, sAMP6 cho tác dụng chống oxy hóa mạnh nhất. Đối với thử nghiệm in vivo, những con gà được tiêm chủng với vắc-xin ND ở ngày 14 sẽ được tiêm vắc-xin nhắc lại vào ngày 28. Những con gà trong nhóm sAMP và AMP được tiêm tương ứng với 1 mg sAMP6 và AMP và, trong nhóm chứng tiêm chủng (VC) và nhóm BC, được tiêm nước muối sinh lý với thể tích tương đương. Tương ứng, sau khi tiêm vắc-xin đầu tiên, vào các ngày 7, 14, 21 và 28, hoạt độ các enzym GSH-Px và SOD và hàm lượng MDA trong huyết thanh được xác định. Kết quả cho thấy sAMP6 làm gia tăng đáng kể hoạt độ các enzym GSH-Px và SOD và giảm hàm lượng MDA. Tất cả những kết quả này chỉ ra rằng phương pháp selenyl hóa sửa đổi có thể làm tăng đáng kể tác động chống oxy hóa của AMP. | |
Đặng Minh Tú | |
3 | HIỆU QUẢ CHỐNG UNG THƯ, KHÁNG VIRUS VÀ CHỐNG VIÊM CỦA TINH DẦU TỪ BACH TRUẬT ĐƯỢC CHẾ BIẾN VỚI CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC NHAU |
Sihao Gu và cs. | |
Molecules 2019, 24(16), 2956; https://doi.org/10.3390/molecules24162956 | |
Published: 15 August 2019 | |
Bạch truật đã được sử dụng ở Trung Quốc như một loại thuốc tỳ tạng tăng sinh lực, loại bỏ đờm ứ. Theo các nghiên cứu gần đây, các phương pháp chế biến khác nhau có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, vì vậy chúng tôi đã thu thập bạch truật từ tỉnh Chiết Giang, được sản xuất với các phương pháp chế biến khác nhau, A. macrocephala (CA) thô và A. macrocephala (BA) tinh chế, sau đó đã phân tích các loại tinh dầu của nó (EOs) bởi phương pháp sắc ký khí kết hợp với khối phổ (GC/MS). Kết quả cho thấy có 34 hợp chất chiếm 98,44% EOs tổng của CA đã được xác định và 46 hợp chất chiếm 98,02% EOs tổng của BA đã được xác định. Atractylon là hợp chất chính trong bạch truật. So với CA, BA có 46 hợp chất được phát hiện, 28 trong số đó đã được biết và 6 hợp chất chưa được phát hiện trước đây. Kết quả động dược học cho thấy EOs của CA và atractylon thể hiện tác động chống ung thư hiệu quả hơn trong các dòng tế bào HepG2, MCG804 và HCT-116 so với EOs của BA; trong khi các EOs của BA thể hiện tác dụng kháng virus đơn giản đối với virus H3N2, cả EOs và atractylon đều có tác động chống viêm bằng cách ức chế sản xuất oxid nitric (NO) gây bởi lipopolysacarid (LPS) trong các tế bào ANA-1. | |
Đặng Minh Tú | |
4 | TÁC DỤNG CỦA SELEN ĐỐI VỚI KHẢ NĂNG CHỐNG OXY HÓA CỦA ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ. DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA STRESS CADMIUM |
ZHANG Mei-de và cs. | |
Journal of Southern Agricultur, 2014, Vol.45 No.7 pp.1211-1214 ref.18 | |
Mục tiêu: Tác dụng bảo vệ của selen (Se) chống lại stress cadmium (Cd) trong cây giống Atractylodes macrocephala (bạch truật) đã được ghi nhận để cung cấp tài liệu tham khảo cho việc kiểm soát ô nhiễm kim loại nặng trong canh tác cây trồng này. | |
Phương pháp: Thí nghiệm thủy canh của cây bạch truật được thực hiện trong môi trường 1/2 Hoagland. Một tháng sau, môi trường tăng trưởng được bổ sung 4 mmol / L Cd dưới dạng CdCl2 và các nồng độ khác nhau của Se (10, 20, 40, 60, 80 và 100 mol / L) dưới dạng Na2SeO3. Se và Cd không được thêm vào nhóm chứng. Lá được thu hoạch (48 giờ sau khi điều trị) để nghiên cứu các chỉ số sinh lý. | |
Kết quả: Stress cadmium dẫn đến sự gia tăng đáng kể hàm lượng H2O2 và MDA, trong khi đó hoạt động của các enzym chống oxy hóa SOD và CAT giảm, điều đó có nghĩa là có tổn thương oxy hóa trong bạch truật gây ra bởi stress Cd. Dưới điều kiện stress Cd, hệ thống chống oxy hóa của cây bạch truật có các phản ứng khác nhau khi các nồng độ Se khác nhau được thêm vào. Nồng độ tương đối thấp của Se (10-60 μmol / L) cung câp đã làm giảm hàm lượng H2O2 và MDA, và làm tăng các hoạt động của SOD và CAT, có nghĩa là có ít tổn thương oxy hóa hơn trong bạch truật. Tuy nhiên, nồng độ Se tương đối cao hơn (80- 100 μmol / L) làm tăng sản xuất H2O2 và MDA, và giảm các hoạt động của SOD và CAT, điều đó có nghĩa là tổn thương oxy hóa gây ra bởi stress Cd không giảm. | |
Kết luận: Nồng độ selenium từ 10-60 μmol / L thuận lợi cho việc tăng cường khả năng chống oxy hóa của cây bạch truật (Atractylodes macrocephala) được gieo trồng. | |
Lê Đức Tâm | |
5 | THỰC TRẠNG NGHIÊN CỨU CHỌN GIỐNG BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ.) |
Yi SiRong và cs. | |
China Journal of Traditional Chinese Medicine and Pharmacy (2014), Vol 29, No 3: 826-828 | |
Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) là một trong những loại dược liệu được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc. Để tìm hiểu quá trình nghiên cứu chọn giống và cung cấp tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu chọn giống sau này, bài tổng quan này đã phân tích tóm tắt những kết quả nghiên cứu về chọn giống, nuôi cấy mô, ứng dụng đa bội thể trong chọn giống và các nội dung nghiên cứu khác liên quan đến cây bạch truật. Qua phân tích các tài liệu trước đây cho thấy các nghiên cứu chọn giống cây bạch truật bắt đầu tương đối muộn, và phương pháp cũng rất đơn giản. Mặc dù trong gần mười năm đã có nhiều báo cáo liên quan đến chọn giống cây bạch truật nhưng lại thiếu các nghiên cứu ứng dụng cho sản xuất trên quy mô lớn, và trong tương lai các nghiên cứu này cần được tăng cường. | |
Trịnh Minh Vũ | |
6 | PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN CỦA CÁC RÀO CẢN TRONG ĐỘC CANH LIÊN TỤC CÂY BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ) Ở HUYỆN BÌNH GIANG VÀ CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC |
Rong SONG và cs. | |
Agricultural Science & Technology (2015), Vol. 16, No 3: 462-466 | |
Bài báo mở đầu bằng việc đưa ra khái niệm và những tác hại của việc độc canh cây trồng liên tục trong nhiều vụ. Sau đó, bài báo phân tích nguyên nhân dẫn đến các rào cản trong độc canh liên tục cây bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.). Nhằm đưa ra khuyến cáo cho việc phát triển bền vững nguồn nguyên liệu bạch truật tại Bình Giang, bài báo đã đưa ra một số biện pháp hạn chế tác hại của việc độc canh bạch truật, bao gồm chọn giống có sức đề kháng cao; áp dụng luân canh và xen canh hợp lý; bón phân hợp lý và khử trùng đất; sử dụng vi khuẩn đối kháng và đào thải độc tố. | |
Trịnh Minh Vũ | |
7 | PHƯƠNG PHÁP TRỒNG BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ) |
Ying Ling và cs. | |
中华人民共和国国家知识产权局 (2015) | |
Kết quả nghiên cứu trồng bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) bao gồm: Chọn đất cát pha có độ phì trung bình, thoát nước tốt, tơi xốp và mát, bón vôi với mức 23 kg/mu (1mu = 0,067ha) và cày sâu 10 cm; Chọn hạt giống chắc mẩy và không có sâu bệnh hại, ngâm trong nước ấm ở nhiệt độ từ 25oC đến 30oC trong 24 giờ nhằm tăng tốc độ nảy mầm; lên luống có chiều rộng từ 1,2 m đến 1,3 m và chiều dài từ 3 m đến 3,5 m; Tưới phun trên mặt luống, sau khi nước thấm xuống dưới và bề mặt luống hơi khô, gieo hạt với khoảng cách cách hàng là 18 cm; Cây con hình thành sau khi gieo hạt khoảng 15 ngày . Bạch truật được trồng xen với cúc Nendranthema indicum trong vườn ươm trước khi được đem trồng vào mùa đông. Trồng xen cây giống bạch truật và cúc Nendranthema indicum có thể hạn chế các bệnh truyền qua đất, giải quyết được vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật do sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, giảm hiệu quả tỷ lệ mắc bệnh cháy lá và thối rễ bạch truật, cải thiện chất lượng dược liệu. | |
Trịnh Minh Vũ | |
8 | PHƯƠNG PHÁP CANH TÁC NHẰM NGĂN NGỪA BỆNH ĐỐM LÁ TRÊN CÂY BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ) |
Jing Han và cs | |
中华人民共和国国家知识产权局 (2017) | |
Nghiên cứu liên quan đến phương pháp canh tác nhằm ngăn ngừa bệnh đốm lá trên bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz). Phương pháp này bao gồm 02 biện pháp tổng hợp là: Biện pháp A: quản lý quy trình canh tác, trong đó bao gồm các bước: chọn giống kháng bệnh; b: lựa chọn địa điểm trồng phù hợp; c: làm đất và lên luống; d: bón phân khoa học; e: luân canh hợp lý. Biện pháp B: phòng trừ bằng hóa học, trong đó: kết hợp chặt chẽ giữa quản lý quy trình canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có độ độc và lượng tồn dư thấp từ đó hạn chế hiệu quả các bệnh hại trên bạch truật và đảm bảo chất lượng dược liệu. Tỷ lệ xuất hiện của bệnh đốm lá được hạn chế trong mức 12%, hiệu quả kiểm soát có thể đạt 89%, cây bạch truật sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất có thể tăng 25,3%, tăng thu nhập bình quân cho người trồng mỗi năm thêm 800 nhân dân tệ cho mỗi mu (1mu = 0,067ha). Phương pháp này góp phần mở rộng và phát triển ổn định, lâu dài của ngành sản xuất dược liệu bạch truật. | |
Trịnh Minh Vũ | |
9 | SO SÁNH CÁC ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG VÀ HÀM LƯỢNG HOẠT CHẤT CỦA CÁC GIỐNG LAI KHÁC LOÀI TRONG CHI ATRACTYLODES |
Jeong, Jin Tae và cs. | |
Korean Journal of Medicinal Crop Science 2018, Vol 26, No 3:220-226 | |
Đặt vấn đề: Atractylodes japonica Koidz. và Atractylodes macrocephala Koidz thuộc họ Cúc. Thân rễ của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền. Để giải quyết một số vấn đề trong trồng trọt, gần đây chúng tôi đã phát triển 8 giống lai từ 2 loài A. japonica and A. macrocephala. Nghiên cứu này được thực hiện để sàng lọc các giống lai có hàm lượng hoạt chất và năng suất cao. | |
Phương pháp và kết quả: Thí nghiệm được tiến hành với 8 giống lai và một giống bạch truật làm giống đối chứng tại khu ruộng nghiên cứu của Khoa nghiên cứu cây dược liệu tại Eumseong, Hàn Quốc. Chúng tôi đã nghiên cứu các đặc điểm sinh trưởng của cây qua các bộ phận trên và dưới mặt đất. Trong số các giống cây, 'Sanwon' có trọng lượng thân rễ khô cao nhất (53,8 g/cây), tiếp theo là 'Dachul' (50,0 g / cây). Ngoài ra, hàm lượng atractylenolid I, II, III và hàm lượng hoạt chất tổng số đã được nghiên cứu bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. So với bạch truật, hầu hết các giống lai đều có hàm lượng hoạt chất và cho năng suất cao hơn. | |
Kết luận: Thông qua nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được giống lai khác loài trong chi Atractylodes có chất lượng vượt trội, nhất là giống 'Dachul' có thể được trồng như một giống chất lượng với hàm lượng hoạt chất cũng như năng suất cao. | |
Lê Hồng Hạnh, Đặng Minh Tú | |
10 | ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT LƯỢNG ÁNH SÁNG ĐÈN LED ĐẾN SỰ SINH TRƯỞNG VÀ SẮC TỐ QUANG HỢP CỦA BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA) |
J.J. Zhao và cs. | |
Acta Hortic. 1037, 849-854, 2014 | |
Để đánh giá ảnh hưởng của chất lượng các loại ánh sáng khác nhau (ánh sáng trắng, đỏ, xanh và ánh sáng đỏ cộng với ánh sáng xanh) được chiếu xạ bằng đèn LED ở cường độ ánh sáng 100 µmol.m-2.s-1 đến sự sinh trưởng và hàm lượng sắc tố quang hợp của cây con bạch truật, một loại cây thuốc có giá trị cao của Trung Quốc, một thí nghiệm chậu vại đã được tiến hành trong tủ vi khí hậu. Bước sóng chính của đèn LED đỏ và đèn LED xanh lần lượt là 619 nm và 458 nm và tỷ lệ cường độ ánh sáng của ánh sáng đỏ cộng với ánh sáng xanh được xử lý là 1:1. Kết quả cho thấy chiều cao chồi của bạch truật dưới ánh sáng đỏ là cao nhất, trong khi đó thấp nhất dưới ánh sáng đỏ cộng với ánh sáng xanh. Tuy nhiên, trọng lượng rễ tươi và chiều dài rễ của bạch truật được xử lý bằng ánh sáng đỏ thấp hơn so với được xử lý bằng ánh sáng trắng, và không có sự khác biệt đáng kể giữa ba phương pháp xử lý bằng ánh sáng khác. Số liệu chỉ ra rằng tỷ lệ rễ và chồi dưới ánh sáng xanh là lớn nhất. Chất lượng ánh sáng không ảnh hưởng đến trọng lượng chồi tươi và hàm lượng sắc tố quang hợp của bạch truật. Kết quả cho thấy chất lượng ánh sáng đèn LED có thể điều chỉnh sự sinh trưởng của cây con bạch truật, mà không phải do sự thay đổi của hàm lượng sắc tố quang hợp. | |
Bùi Thị Xuân, Lương Vũ Đức, Lê Văn Giỏi | |
11 | ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ THUẦN HÓA ĐẾN DI TRUYỀN QUẦN THỂ CỦA BẠCH TRUẬT- ATRACTYLODES MACROCEPHALA (HỌ CÚC -ASTERACEAE) |
Chuan Chen và cs. | |
Journal of Systematics and Evolution, 22 June 2018, Evol. 9999 (9999): 1–12 | |
Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) là một loại thảo dược đã được canh tác qua nhiều thế kỷ ở Trung Quốc, và tài nguyên nguồn gen của tất cả quần thể trồng trọt đã bị suy thoái theo thời gian do hệ quả của quá trình thuần hóa. Nghiên cứu này đã sử dụng ADN lục lạp và vi vệ tinh để làm rõ không chỉ ảnh hưởng của sự thuần hóa đối với di truyền quần thể, mà còn xác định nguồn gốc địa lý của các giống địa phương. Kết quả cho thấy rằng các quần thể trồng trọt (ngoại trừ giống “Pingzhu”) thể hiện sự đa dạng di truyền cao hơn so với các quần thể hoang dại và sự khác biệt di truyền giữa các quần thể trồng và quần thể hoang dại ở mức độ thấp. Hơn nữa, các phân tích CẤU TRÚC và UPGMA đã chia tất cả các quần thể hoang dại thành ba cụm kiểu gen, hai trong số đó (ở tỉnh Thiểm Tây và Hồ Nam) đã có cùng một nhóm gen với bạch truật (A. macrocephala) trồng, cho thấy rằng quần thể hoang dại ở Hoa Trung có liên quan đến nguồn gốc của bạch truật (A. macrocephala ) trồng. Hơn nữa, quần thể hoang dại từ tỉnh Qimen, tỉnh An Huy và vùng trồng giống “Pingzhu” chứa nhóm gen độc nhất và các alen hiếm có thể hữu ích với những nỗ lực chọn giống trong tương lai. Sự phân tích bao quát này về di truyền quần thể trên một đối tượng cây dược liệu được con người chọn lọc qua hàng thế kỷ sẽ là tiền đề cho việc sử dụng và bảo tồn nguồn gen có giá trị của các loài cây dược liệu. | |
Tô Minh Tứ, Đặng Minh Tú | |
12 | PHÂN TÍCH HÌNH THÁI VÀ ĐA HÌNH ĐỘ DÀI NHÂN BẢN CHỌN LỌC (AFLP) CỦA CÂY TỨ BỘI BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA) |
Wang HJ và cs. | |
Zhongguo Zhong Yao Za Zhi, 2015 Feb;40(3):404-9 | |
Để nghiên cứu cơ sở di truyền của biến đổi hình thái cây tứ bội bạch truật (Atractylodes macrocephala), cây lưỡng bội được lấy làm vật liệu thí nghiệm, màng lọc colchicin vô trùng đã được sử dụng để ngâm chồi dài 0,5-1 cm. Sự khác biệt giữa hình thái và khí khổng của cây bạch truật (A. macrocephala) lưỡng bội và tứ bội đã được so sánh, và tính đa hình của bộ gen đã được khám phá bởi kỹ thuật AFLP. Kết quả cho thấy chồi nhúng trong dung dịch colchicin 0,1% trong 36 giờ là điều kiện tối ưu để tạo ra cây bạch truật tứ bội với tỷ lệ cảm ứng là 32,0%. Các chỉ số hình thái như chỉ số diện tích lá, chiều dài và chiều rộng của lá, mật độ của khí khổng và số lượng lục lạp của cây tứ bội khác biệt rõ rệt với cây lưỡng bội. Bốn trăm năm mươi mốt dải băng khoảng từ 80-500 bp được khuếch đại với 24 cặp mồi, tỷ lệ đa hình là 32,59%. Các vị trí khuếch đại của cây bạch truật (A. macrocephala) lưỡng bội khác với tứ bội và sự khác biệt về hình thái của chúng được phản ánh trong đa hình DNA. | |
Tô Minh Tứ | |
13 | BẢO QUẢN LẠNH CHỒI ĐỈNH INVITRO BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ.) SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP THỦY TINH HÓA NHỎ GIỌT |
Jin-mei Zhang và cs. | |
CryoLetters 36 (3): 195- 204 (2015) | |
Đặt vấn đề: Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) là một loài cây dược liệu quan trọng từ Trung Quốc đã được sử dụng hàng ngàn năm với các hoạt tính dược lý chống oxy hóa đặc biệt, bảo vệ gan, chống viêm, chống dị ứng, chống huyết khối, chống vi rút và chống ung thư. | |
Mục tiêu: Mục đích của nghiên cứu này là phát triển một quy trình thủy tinh hóa nhỏ giọt hiệu quả cho các chồi đỉnh A. macrocephala có thể được sử dụng trong bảo tồn dài hạn nguồn gen tại các ngân hàng gen. | |
Vật liệu và phương pháp: Thời gian của các bước tiền nuôi cấy, dung nạp và bước PVS2, cũng như công thức môi trường phục hồi, đã được tối ưu hóa để đạt được mức độ sống sót và tái sinh cao cho các chồi đỉnh A. macrocephala sau khi tiếp xúc với nitơ lỏng. | |
Kết quả: Mức độ sống sót và tái sinh sau khi bảo quản lạnh đối với giống “Baizhu” lần lượt cao tới 76% và 62%. Phân tích nhiệt sử dụng phép đo nhiệt lượng quét vi sai cho thấy rằng xử lý PVS2 đóng một vai trò quan trọng để bảo quản lạnh thành công. | |
Kết luận: Phương pháp thủy tinh hóa nhỏ giọt được thiết lập trong nghiên cứu này có thể được sử dụng để bảo quản lạnh A. macrocephala. | |
Lê Đức Tâm, Nguyễn Hải Văn) | |
14 | SỰ HẤP THỤ VÀ PHÂN BỐ NITƠ, PHỐT PHO VÀ KALI TRONG CÂY BẠCH TRUẬT |
Zhong Yao Cai | |
Journal of Chinese Medicinal Materials 39(3):469-72 · March 2016 | |
Mục tiêu: Nghiên cứu sự hấp thụ và phân bố nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K) trong cây Bạch truật bằng thí nghiệm đồng ruộng. | |
Phương pháp: Các mẫu bạch truật được thu trong các giai đoạn phát triển khác nhau, và lượng chất khô và hàm lượng N, P và K trong các phần khác nhau của cây được xác định tương ứng. | |
Kết quả: Kết quả cho thấy bạch truật một năm tuổi ở giai đoạn nảy chồi và giai đoạn phát triển thân rễ là giai đoạn then chốt của sự hấp thụ nhanh chất dinh dưỡng, và nguyên tố dinh dưỡng được hấp thụ chủ yếu được phân bổ cho bộ phận trên mặt đất của bạch truật. Đối với bạch truật hai năm tuổi, giai đoạn ra hoa là giai đoạn quan trọng của sự hấp thụ nhanh chất dinh dưỡng, và nguyên tố dinh dưỡng được hấp thụ chủ yếu được phân bổ cho thân rễ. Mức độ hấp thụ N, P2O5 và K2O trung bình trên 100kg sản phẩm thân rễ của bạch truật hai năm tuổi lần lượt là 2,65; 0,91 và 2,16 kg. | |
Kết luận: Ngoài phân bón lót thích hợp, việc trồng trọt bạch truật một năm tuổi nên chú ý đến việc bón thúc cho cây trong giai đoạn nảy chồi và giai đoạn phát triển thân rễ, trong khi việc trồng trọt bạch truật hai năm tuổi cần chú ý bón thúc giai đoạn ra hoa. | |
Lương Vũ Đức, Lê Văn Giỏi | |
15 | TÁC DỤNG KIỂM SOÁT CỦA VALIDAMYCIN ĐỐI VỚI BỆNH CHÁY LÁ TRÊN CÂY BẠCH TRUẬT |
Huang Yajun và cs. | |
Plant Diseases and Pests 2018, 9(3-4): 27-28 | |
Mục tiêu: Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả phòng trừ bệnh cháy lá cây bạch truật. | |
Phương pháp: Đánh giá hiệu quả phòng trừ bệnh cháy lá bạch truật của 60% validamycin A SP và so sánh với thuốc đối chứng là 20% bismerthiazol WP. | |
Kết quả: Sau khi phun lần thứ ba 14 ngày, hiệu quả kiểm soát của 60% validamycin A SP ở liều 495-540 g/hm2 là 76,9%, tương đương với thuốc 20% bismerthiazol WP với liều 270 g/hm2 (76,7%). | |
Kết luận: 60% validamycin A SP có thể được sử dụng phòng trừ bệnh cháy lá hiệu quả ở cây bạch truật, có triển vọng ứng dụng tốt và phổ biến trong sản xuất | |
Lương Vũ Đức, Nguyễn Hải Văn | |
16 | NHỮNG THAY ĐỔI CỦA HỆ VI SINH VẬT TRONG ĐẤT VÙNG RỄ BẠCH TRUẬT BỊ BỆNH KHI TÁI CANH |
X.F.Yuan và cs. | |
South African Journal of Botany, Volume 127, September 2019: 129-135 | |
Việc canh tác liên tục ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và chất lượng của bạch truật do cây bị nhiễm hội chứng tái canh. Để tìm hiểu những thay đổi trong đất vùng rễ khi bạch truật bị bệnh tái canh, chúng tôi kiểm tra các đặc tính hóa lý của đất và hệ vi sinh vật. Kết quả cho thấy mức độ cao hơn của pH và hoạt động của enzym phosphatase trong đất vùng rễ của cây bị bệnh so với đất vùng rễ cây khỏe mạnh. Hơn nữa, ở vùng rễ cây bị bệnh, 42 loài vi khuẩn trong ngành Acidobacteria, Gemmatimonadetes, Nitrospirae, Elusimicrobia và Chlorobi có sự đa dạng cao hơn, trong khi 8 loài trong ngành của Actinobacteria, Bacteroidetes, Firmicutes và Fibrobacteres có sự đa dạng thấp hơn. Đặc biệt, số lượng một số vi khuẩn có lợi bao gồm Sphingobium và Hyphomicrobium lại giảm đi trong khi số lượng vi khuẩn gây bệnh như Asticcacaulis, Rhizomicrobium lại tăng lên ở đất vùng rễ cây bị bệnh tái canh. Đối với nấm, đất vùng rễ cây bị bệnh có 10 loài có mức đa dạng thấp hơn thuộc ngành Ascomycota và Glomeromycota. Tóm lại, sự mất cân bằng của hệ vi sinh vật trong đất vùng rễ của bạch truật gây ra bởi sự biến đổi của hệ vi sinh vật đất được coi là nguyên nhân chính của bệnh tái canh. Một số vi khuẩn như Sphingobium và một số loại nấm bao gồm Alternaria có liên quan chặt chẽ với bệnh tái canh. | |
Lương Vũ Đức | |
17 | SỰ XUẤT HIỆN VÀ THIỆT HẠI CỦA BỆNH THỐI RỄ BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA KOIDZ.) VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA TÁC NHÂN GÂY BỆNH |
Yang ChengQian và cs. | |
Journal of Southern Agriculture 2018,Vol.49 No.8 pp.1561-1567 ref.14 | |
Mục tiêu: Sự xuất hiện, tác nhân gây bệnh và đặc điểm sinh học của bệnh thối rễ bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) tại Trùng Khánh đã được làm rõ, qua đó cung cấp cơ sở lý thuyết cho việc dự đoán, phòng trừ bệnh này và chọngiống cây bạch truật kháng bệnh. | |
Phương pháp: Những thiệt hại và triệu chứng của bệnh thối rễ được điều tra định kỳ 30 ngày/lần từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2017 tại Trùng Khánh. Sau đó, tác nhân gây bệnh thối rễ được phân lập và làm thuần bằng cách phân lập mô bệnh thông thường kết hợp quy tắc Koch. Vi khuẩn gây bệnh được xác định bởi các đặc điểm hình thái. Nghiên cứu các tác động của môi trường nuôi cấy, nguồn nitơ carbon, pH và nhiệt độ đến sự phát triển của sợi nấm và bào tử cũng được tiến hành. | |
Kết quả: Hai triệu chứng bao gồm thối thân rễ và thối rễ đã được quan sát trên đồng ruộng, trong đó thối thân rễ chiếm 69,68% tổng số cây con bị bệnh. Sau khi lây nhiễm hai loại tác nhân gây bệnh trên bốn mô hình canh tác bạch truật khác nhau, triệu chứng bệnh thối thân rễ xuất hiện trên hầu hết các cây con. Tác nhân gây bệnh chính được xác định là Fusarium oxysporum Schl. - thích hợp phát triển trong môi trường PSA. Nguồn carbon và nitơ tối ưu cho sự tăng trưởng sợi nấm là sucrose và glycine, nhưng nguồn carbon và nitơ cần cho sản sinh bào tử lần lượt là fructopyranose và leucine. Điều kiện sống tối ưu cho sự phát triển sợi nấm là 25 -30°C và pH 7, nhưng nó có thể phát triển ở 5-45°C và pH 3-11. Điều kiện sống tối ưu cho sự hình thành và nảy mầm của bào tử là 30°C và pH 6. | |
Kết luận: Hai triệu chứng, bao gồm thối thân rễ và thối rễ, được quan sát thấy ở bệnh thối rễ bạch truật tại Trùng Khánh. Tác nhân gây bệnh chính là F. oxysporum. Biểu hiện triệu chứng bệnh có liên quan đến khả năng kháng bệnh khác nhau của các mô hình canh tác bạch truật. | |
Đặng Minh Tú | |
18 | ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, PHÂN TỬ VÀ GÂY BỆNH CỦA ALTERNARIA LONGIPES, TÁC NHÂN GÂY BỆNH ĐỐM LÁ TRÊN BẠCH TRUẬT (ATRACTYLODES MACROCEPHALA) |
Tan Guo-Yin và cs. | |
African journal of microbiology research 7(21):2589-2595, May 2013 | |
Bệnh đốm lá đã được phát hiện tại vùng sản xuất bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.) - một loại thảo dược lâu năm được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc tại huyện Panan của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Khoảng 40% cây được điều tra trên đồng ruộng hè năm 2011 cho thấy các triệu chứng nghiêm trọng của đốm lá. Các mẫu nấm phân lập từ các mô lá bị nhiễm bệnh được nuôi cấy trên môi trường thạch đường khoai tây (PDA). Các đặc điểm hình thái của tản nấm và cấu trúc sinh bào tử đã được xác định. DNA chiết tách mẫunấm nuôi cấy được khuyếch đại bằng kỹ thuật PCR với các đoạn mồi ITS1F/ITS4 và Alt-for/Alt-rev cho các vùng đệm được phiên mã nội bộ (ITS) và gen Alternaria allergen (gen Alt 1) . Các sản phẩm PCR thu được đã được giải trình tự và so sánh tương đồng với các loài khác trong ngân hàng gen (GenBank). So sánh trình tự của gen Alt a1 cho thấy sự giống nhau 100% với Alternaria longipes (Ellis & Everh.) E. W. Mason. Khả năng gây bệnh của mẫu nấm L3 đã được xác nhận bằng phương pháp lây bệnh nhân tạo trên cây bạch truật. Từ những kết quả trên, chúng tôi đã kết luận rằng A. longipes là tác nhân gây ra bệnh đốm lá trên cây bạch truật. | |
Lại Việt Hưng | |
19 | XÁC THỰC NGUỒN GỐC ĐỊA LÝ CỦA DƯỢC LIỆU BẠCH TRUẬT (BAIZHU) TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN TRUNG QUỐC BẰNG SỬ DỤNG CÁC PHÂN TÍCH ĐỒNG VỊ VÀ ĐA LƯỢNG ỔN ĐỊNH |
Ling Hu và cs. | |
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1002/rcm.8519, First published: 02 July 2019, https://doi.org/10.1002/rcm.8519 | |
Cơ sở lý luận: Bạch truật (Baizhu) là một loại dược liệu truyền thống có giá trị của Trung Quốc, trong đó nhóm dược liệu bạch truật có nguồn gốc từ tỉnh Chiết Giang là nổi tiếng nhất và giá trị hơn nhiều so với các loại có nguồn gốc từ các khu vực khác. Do sự khác biệt lớn về giá cả, việc ghi nhãn gian lận thường xảy ra. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất và thương nhân trung thực, việc xây dựng các phương pháp đáng tin cậy để xác thực địa lý của dược liệu bạch truật là vô cùng cấp thiết. | |
Phương pháp: Các tỷ lệ đồng vị ổn định của 5 nguyên tố (C, N, H, O và S) trong các mẫu bạch truật có nguồn gốc từ bốn tỉnh của Trung Quốc được xác định bằng máy phân tích nguyên tố (EA) kết hợp với phép đo phổ khối đồng vị (IRMS) và hàm lượng của 45 thành tố trong các mẫu này được đo bằng phép đo khối phổ kết hợp plasma tự cảm (ICP ‐ MS). Phương pháp hóa học bao gồm PCA và OPLS ‐ DA đã được áp dụng cho dữ liệu thu được. | |
Các kết quả: Kết quả PCA cho thấy các kỹ thuật cho phép phân loại rõ ràng các mẫu bạch truật theo khu vực: A (tỉnh Chiết Giang), B (tỉnh Thiểm Tây) và C (tỉnh Hà Bắc và An Huy). Hơn nữa, OPLS ‐ DA sử dụng 27 biến chính cung cấp sự phân biệt chính xác 100% giữa các mẫu có nguồn gốc từ tỉnh Chiết Giang và các mẫu từ ba tỉnh còn lại. | |
Kết luận: Tỷ lệ đồng vị ổn định và phân tích đa lượng kết hợp với các phương pháp hóa học cho thấy tiềm năng lớn đối với việc xác thực địa lý của dược liệu bạch truật, cung cấp một phương pháp đầy hứa hẹn để kiểm soát ghi nhãn gian lận thường xảy ra với thuốc thảo dược truyền thống ở Trung Quốc. | |
Lại Việt Hưng |
Nguồn: Viện Dược liệu