Danh mục sản phẩm
Lượt truy cập
  • 17
  • 376
  • 1,235,998

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1 NĂM 2023

  29/05/2023

BẢN TIN DƯỢC LIỆU SỐ 1 NĂM 2023

NÁNG HOA TRẮNG

HOẠT TÍNH XÚC TÁC CỦA HẠT NANO BẠC TỔNG HỢP TỪ DỊCH CHIẾT LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) (SUDARSHAN)

 

Samiksha Shukla và cs.

Materials Today: Proceedings. 2022; 56(6): 3714-3720

 

Việc tổng hợp các hạt nano bạc (Ag-NPs) theo  con đường xanh đã đạt được tốc độ phát triển trong những năm gần đây vì đây là cách sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí, không độc hại và sử dụng đơn giản các tiền chất. Nghiên cứu này trình bày một phương pháp tổng hợp xanh để tổng hợp Ag-NPs bằng cách sử dụng lá của náng hoa trắng và xem xét cách thức các phân tử sinh học có mặt trong cây dẫn đến sự hình thành Ag-NPs. Ag-NPs tổng hợp sinh học đã được xác nhận và ảnh hưởng của thay đổi pH, nhiệt độ phản ứng và nồng độ dịch chiết đối với sự khử các ion bạc đã được quan sát. Ag-NPs có cực đại hấp thụ ở khoảng 449 nm do cộng hưởng plasmon bề mặt. Kích thước, hình thái, cấu trúc tinh thể và tính ổn định của Ag-NPs được kiểm tra bằng các kỹ thuật như quang phổ hấp thụ, kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM), quang phổ nhiễu xạ tia X (XRD) và phân tích điện thế zeta. Hình dạng của Ag-NPs là hình cầu và kích thước hạt trung bình là khoảng 11 nm. Các hoạt tính xúc tác đáng kể của Ag-NPs cũng được xác định bằng cách khử chất nhuộm màu có độc tính như xanh metylen (MB) với sự có mặt của NaBH4 với hằng số tốc độ là 0,097 phút−1.

Hoàng Thị Diệu Hằng

 

  1.  

NGHIÊN CỨU ĐỘC TÍNH CẤP VÀ BÁN CẤP CỦA CAO CHIẾT CHLOROFORM CỦA CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) Ở CHUỘT NHẮT TRẮNG

 

Michael Ofori và cs.

South African Journal of Botany. 2021; 143: 133-140.

 

Củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được phân bố rộng rãi ở các vùng của châu Phi và châu Á, hầu hết các bằng chứng cho thấy loại cây này có nguồn gốc từ châu Á với một số loài xuất hiện ở các đảo tại Ấn Độ Dương. Ở Ghana, cây chủ yếu được tìm thấy ở phần phía nam và được sử dụng trong y học dân tộc để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho nặng, nhiễm trùng da và chữa lành vết thương. Mặc dù người bản địa vẫn sử dụng, nhưng có rất ít nghiên cứu được công bố về độc tính liên quan đến việc sử dụng ngắn hạn hoặc dài hạn củ Náng hoa trắng.  Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá độc tính cấp và bán cấp của dịch chiết chloroform từ phần củ của Náng hoa trắng (CCAE) trên dòng chuột ICR. Trong thử nghiệm độc tính cấp, chuột đực và chuột cái không mang thai khỏe mạnh (từ 15-20 g) được sử dụng. Một nhóm được cho uống CCAE liều thấp (2000 mg/kg), một nhóm khác uống CCAE liều cao (5000 mg/kg) và nhóm đối chứng nhận được dùng nước muối sinh lý (1 ml/kg). Quan sát tổng thể nghiên cứu độc tính cấp trong bảy ngày. Trong nghiên cứu độc tính bán cấp, các liều CCAE 500 và 1500 mg/kg được dùng bằng đường uống trong 14 ngày liên tục và các quan sát được thực hiện trong suốt thời gian đó. Trong cả hai nghiên cứu, động vật được quan sát chặt chẽ về những thay đổi hành vi lâm sàng như tư thế cố định, giãn mạch, bị kích động, thay đổi trọng lượng cơ thể, chán ăn, rụng lông và tử vong. Độc tính của cao chiết trên gan, thận, các thông số huyết học và sinh hóa đã được đánh giá bao gồm kiểm tra mô bệnh học để đánh giá cấu trúc vi thể của các tế bào thận và gan. Tóm lại, nghiên cứu độc tính của CCAE cho thấy không có tác dụng độc hại đáng kể nào đối với gan, thận, trọng lượng cơ thể, chức năng thần kinh, các thông số huyết học và sinh hóa trong thử nghiệm độc tính cấp qua đường uống, sau đó là thử nghiệm độc tính bán cấp qua đường uống. Nghiên cứu mô bệnh học trên các tế bào thận và gan cho thấy bình thường. LD50 được xác định là lớn hơn 5000 mg/kg. Do đó dịch chiết chloroform từ củ của náng hoa trắng không độc khi dùng với liều lượng dưới 5000 mg/kg.

Hoàng Thị Diệu Hằng

 

  1.  

HOẠT TÍNH CHỐNG LAO CỦA CAO CHIẾT NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT BỊ LAO GÂY BỞI KHÍ DUNG CÓ VI KHUẨN MYCOBACTERIUM SMEGMATIS

 

Purwandi Yedy Sukmawan và cs.

Journal of Applied Pharmaceutical Science. 2022;12(5): 156-164

 

Bệnh lao (TB) là một trong những bệnh truyền nhiễm cao ảnh hưởng đến một phần ba dân số thế giới. Sự xuất hiện của bệnh lao kháng đa thuốc (MDR-TB) và các chủng Mycobacterium tuberculosis kháng thuốc trên diện rộng (XDR) đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh lao. Số người chết vì MDR- và XDR-TB được ước tính là hơn một triệu người mỗi năm, điều này thật đáng báo động; do đó, cần phải tìm kiếm các hợp chất mới có thể phát triển để điều trị bệnh lao kháng thuốc. Các chiết xuất từ ​​củ của cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học dân gian để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên, nhiễm trùng da và làm lành vết thương. Nghiên cứu này đánh giá hoạt tính kháng lao của cao chiết chloroform của củ Náng hoa trắng (CCAE) trong trên chuột nhắt trắng bị bệnh lao gây bởi khí dung có Mycobacterium smegmatis. Từ các kết quả thu được, cho thấy mô học của phổi chuột bị nhiễm bệnh được dùng CCAE với liều 500 và 1.000 mg/kg có sự cải thiện về xoang phế nang phổi, nhu mô phổi và chức năng phế quản. CCAE làm giảm đáng kể (p < 0,05) số lượng đơn vị hình thành khuẩn lạc (CFU)/ml của M. smegmatis trong phổi. CCAE làm giảm đáng kể (p < 0,05) mức độ biểu hiện của yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-α) và interleukin-6 (IL-6). Kết quả phân tích huyết học ghi nhận ở các nhóm được điều trị bằng CCAE có sự gia tăng hồng cầu và huyết sắc tố phụ thuộc vào liều lượng nhưng làm giảm số lượng bạch cầu so với nhóm đối chứng âm. Nhìn chung, cao chiết Náng hoa trắng thể hiện tác dụng chống lao đầy hứa hẹn, gợi ý đây là một dược liệu tiềm năng trong việc khám phá và phát triển các tác nhân chống lao có thể giúp giải quyết các vấn đề lao kháng thuốc trong kiểm soát bệnh lao.

Nguyễn Tiến Hoàng

 

  1.  

TỐI ƯU HÓA PHƯƠNG PHÁP CHIẾT SIÊU ÂM FLAVONOID TRONG CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÁP ỨNG BỀ MẶT

 

Miao Yu và cs.

Saudi Journal of Biological Sciences, Dec 202126(8): 2079-2084

 

Trong nghiên cứu này, quá trình chiết tách flavonoid từ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) với sự hỗ trợ của sóng siêu âm được nghiên cứu thông qua phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM) nhằm đạt được quy trình chiết xuất flavonoid tốt nhất và nâng cao hiệu suất chiết flavonoid. Trong thử nghiệm RSM sau đây, nghiên cứu đã chọn dữ liệu tương ứng của từng yếu tố làm điểm trung tâm thông qua các thử nghiệm đơn yếu tố, sau đó dữ liệu thực nghiệm được phân tích hồi quy đa biến. Theo kết quả phân tích thống kê, kết quả phù hợp với mô hình hồi quy đa thức, hệ số xác định (R2) là 0,9769. Các điều kiện tốt nhất để đạt hiệu suất flavonoid tối đa là nồng độ ethanol 60%, nhiệt độ chiết 64 °C, tỷ lệ rắn-lỏng 1:28 (v/w) với thời gian chiết 47 phút. Hiệu suất chiết flavonoid tốt nhất là 1,63972%. Các kết quả dự đoán cho các điều kiện chiết xuất tốt nhất đồng thuận cao với các thông số thí nghiệm. Phương pháp chiết xuất có sự hỗ trợ của siêu âm có thể làm tăng đáng kể tốc độ chiết xuất của flavonoid. Đây là một công cụ mạnh mẽ để chiết xuất các hợp chất thực vật quan trọng từ tự nhiên.

Nguyễn Tiến Hoàng, Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

TÁC DỤNG CHỐNG LAO IN-VITRO, CHỐNG ĐẨY THUỐC VÀ TÁC DỤNG CHỐNG MÀNG SINH HỌC CỦA CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM )

Michael Ofori và cs.

Biomedical and Pharmacology Journal. 2021 Dec; 14(4): 1905-1915

 

Bệnh lao kháng thuốc vẫn là một trong những thách thức lớn với việc điều trị và quản lý bệnh lao (TB) trong hệ thống y tế công cộng và tại các cơ sở lâm sàng. Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 186.772 người chết vì bệnh lao kháng thuốc trong số 500.000 trường hợp được báo cáo và đây là điều đáng báo động. Có một nhu cầu cấp thiết từ mọi góc độ trong việc khám phá thuốc để phát triển các hợp chất mới có thể sở hữu các cơ chế tác động đa dạng để giải quyết bệnh lao kháng thuốc. Cao chiết từ củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học dân tộc để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và là tác nhân chữa lành vết thương. Mục đích của công trình này là nghiên cứu tác dụng chống bệnh lao in-vitro của các cao chiết từ củ Náng hoa trắng và để đánh giá các đặc tính ức chế chống lại sự biểu hiện của các bơm protein đẩy thuốc cũng như sự hình thành màng sinh học của vi khuẩn lao. Kết quả thu được cho thấy các cao chiết từ củ Náng hoa trắng (CAE) có hiệu quả ức chế Mycobacterium smegmatis (NCTC 8159) và Mycobacterium aurum (NCTC 10437) với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) là 125 μg/ml và 250 μg/ml đối với M. smegmatis và M. aurum tương ứng. CAE đã ức chế rõ rệt biểu hiện các bơm đẩy thuốc của cả M. smegmatis và M. aurum trong đó cao chiết chloroform cho hoạt tính mạnh nhất. CAE (cao chiết ethanol, methanol, chloroform và hexane) (***ρ˂0,005) đã ức chế đáng kể sự hình thành màng sinh học in-vitro của M. smegmatis và M. aurum. Trong số các cao chiết khác nhau của Náng hoa trắng, cao chiết chloroform thể hiện sự ức chế mạnh nhất đối với sự hình thành màng sinh học của M. smegmatis và M. aurum với ***ρ˂0,005. Tóm lại, CAE có tác dụng chống lao và có thể giải quyết bệnh lao kháng thuốc thể hiện qua các đặc tính chống bơm đẩy thuốc và chống hình thành màng sinh học của các chủng Mycobacterium đã chọn.

Lê Bích Nhài, Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

ỨC CHẾ TẠO MẠCH LÀ CƠ CHẾ KHẢ THI CỦA HOẠT TÍNH CHỐNG UNG THƯ TIỀM NĂNG CỦA CAO CHIẾT METHANOL TỪ LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

 

Sa’adiah Mohd. Yusoff và cs.

Journal of Angiotherapy. 2017 May; 1(1): 12-17.

 

Các tác nhân hóa trị liệu có thể tiêu diệt khối u và làm chậm sự phát triển của ung thư, nhưng cũng có thể tiêu diệt các tế bào và mô bình thường. Do đó, các loại thuốc chống ung thư mới có nguồn gốc từ các sản phẩm tự nhiên được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các chiến lược hiệu quả hơn và an toàn hơn để ức chế sự tiến triển của ung thư mà không gây độc tế bào ở các mô khỏe mạnh xung quanh. Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học cổ truyển để điều trị viêm và khối u. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tính khả thi về mặt khoa học của việc sử dụng Náng hoa trắng trong y học cổ truyền như một tác nhân chống khối u (có tiềm năng chống ung thư). Do đặc tính chống viêm của náng hoa trắng, người ta đưa ra giả thuyết rằng hoạt động chống khối u có thể là do hoạt động chống tạo mạch. Do đó, nghiên cứu hiện tại đã được thực hiện để nghiên cứu hoạt động chống tạo mạch của cao chiết methanol từ lá Náng hoa trắng (CALME) của các loài ở Malaysia. Kết quả xét nghiệm vòng động mạch chủ chuột cho thấy CALME ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới từ mẫu cấy vòng động mạch chủ, với IC50 là 11,58 µg/ml. Tác động của CALME đối với sự tăng sinh (ức chế) tế bào EAhy 926 cũng đã được nghiên cứu và kết quả MTT cho thấy CALME gây ra tác dụng độc tế bào trong các tế bào EAhy 926, với giá trị IC50 là 12,18 μg/ml (hoạt tính gây độc tế bào). CALME ức chế sự di chuyển của tế bào nội mô, với liều khoảng 12 μg/ml. Liều này tương tự như liều gây độc tế bào được quan sát thấy trong tế bào. CALME cũng ức chế giải phóng VEGF, nhưng không đáng kể. Dữ liệu GC-MS đã xác nhận sự hiện diện của lycorine trong CALME. Tóm lại, nghiên cứu hiện tại cung cấp minh chứng hỗ trợ cho việc sử dụng dân gian và các nghiên cứu trước đây liên quan về Náng hoa trắng, xác nhận rằng CALME thể hiện hoạt tính chống tạo mạch (tiềm năng chống ung thư). Tuy nhiên, tác dụng chống tạo mạch do CALME chứng minh là do bản chất gây độc tế bào của cao chiết và ít liên quan đến việc ức chế một hoặc nhiều bước của quá trình tạo mạch.

Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

TÁC DỤNG BẢO VỆ HỒNG CẦU NGƯỜI CỦA CAO CHIẾT NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) VÀ LYCORIN KHỎI TỔN THƯƠNG OXY HÓA GÂY BỞI 2-AMIDINOPROPAN

 

Ilavenil S. và cs.

Saudi journal of biological sciences2011; 18(2): 181-187.

 

Mục đích của nghiên cứu này là để đánh giá hoạt động thu dọn gốc tự do và hoạt động bảo vệ hồng cầu của chiết xuất ethanol của Náng hoa trắng (Crinum asiaticum (L)) và lycorin. Cao chiết xuất ethanol của Náng hoa trắng và lycorin được phát hiện có các đặc tính chống oxy hóa ở các mức độ khác nhau trong các mô hình thử nghiệm. Cả cao chiết ethanol của Náng hoa trắng (0,5–2,5 mg/ml) và lycorin (0,010 mg–0,050 mg/ml) đều làm tăng tỷ lệ ức chế peroxid hóa lipid (26,25 ± 0,23% và 19,25 ± 0,23%) và tăng cường hoạt động thu dọn gốc tự do (20,92 ± 0,22% và 20,52 ± 0,22%), thu dọn hydro peroxid (25,67 ± 0,17% và 23,07 ± 0,3%) và hoạt động thu dọn gốc anion superoxid (27,69 ± 0,16% và 16,09 ± 0,7%) lần lượt ở nồng độ tương ứng 2,5 và 0,050 mg của Náng hoa trắng và lycorin. Nhưng so với tocopherol (P < 0,05), hoạt tính của Náng hoa trắng và lycorin kém hơn. Cao chiết ethanol của Náng hoa trắng và lycorin đã điều chỉnh về bình thường mức giảm glutathion và ổn định trạng thái protein hồng cầu trong mô hình ex vivo gây tổn thương oxy hóa tạo gốc tự do peroxyl [2,2-azobis (2-amidinopropan) dihydrochlorid (AAPH)]. Kết quả hiện tại của các nghiên cứu đã chứng minh rằng Náng hoa trắng và lycorin sẽ được quan tâm như là nguồn chống oxy hóa tự nhiên.

Xa Thị Phương Thảo

 

8.                   

HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM CỦA CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) VÀ TÁC DỤNG CHỐNG CO THẮT DO BRADYKININ TRÊN TỬ CUNG CÔ LẬP

Awatef M Samud và cs.

Immunopharmacology. 1999; 43(2-3): 311-316.

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn) được sử dụng ở Malaysia như một phương thuốc chữa bệnh thấp khớp và giảm đau tại chỗ. Nghiên cứu này đánh giá tác dụng chống viêm của cao chiết Náng hoa trắng trên sự sưng phù chân sau do carrageenan gây ra ở chuột nhắt trắng. Náng hoa trắng được chiết xuất lần lượt bằng ether dầu hoả, tiếp theo là chloroform và cuối cùng là methanol. Các cao chiết chloroform và methanol được dùng bằng đường uống (50 mg/kg) làm giảm đáng kể (p<0,05; n=7) độ phù chân chuột nhưng cao chiết ether dầu hoả không cho tác dụng điển hình (p>0,05). Cao chiết methanol sau đó được hòa trong nước và chiết phân đoạn lần lượt bằng chlorofom, ethyl acetat và butanol. Phân đoạn chloroform của việc chiết phân đoạn từ cao tổng methanol (CFME) (50 mg kg-1) làm giảm đáng kể (p<0,05; n=7) độ phù chân chuột cấp. Điều này có thể cho thấy sự hiện diện của các hợp chất có hoạt tính chống viêm trong CFME. Trong nghiên cứu cơ chế chống viêm của Náng hoa trắng, tác dụng của CFME đối với các cơn co thắt do bradykinin và histamin gây ra đã được nghiên cứu tương ứng trên tử cung chuột và hồi tràng chuột lang bị cô lập. Kết quả cho thấy CFME làm giảm phản ứng co thắt phụ thuộc vào liều (p<0,05; n=6) do bradykinin gây ra và làm dịch chuyển đường cong phản ứng –log liều của histamin sang phải. Những phát hiện hiện tại cho thấy rằng Náng hoa trắng có hoạt tính chống viêm như được đề xuất từ  công dụng theo y học cổ truyền. Hoạt tính chống viêm của Náng hoa trắng không thể là do hoạt tính chống bradykinin vì CFME ức chế không đặc hiệu sự co thắt gây bởi bradykinin. Ngoài ra, CFME có thể chứa (các) hợp chất có đặc tính kháng histamin.

Xa Thị Phương Thảo

 

  1.  

KHẢ NĂNG CHỐNG OXI HÓA VÀ KHÁNG KHUẨN CỦA CÁC CAO CHIẾT PHÂN ĐOẠN TỪ LÁ CỦA NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.)

 

Souren Goswami và cs.

Industrial Crops and Products. 2020 Oct; 154:112667

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L., họ: Amaryllidaceae) là loài cây thuốc được sử dụng rộng rãi, có giá trị y học dân tộc cao. Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng chống oxy hóa và kháng khuẩn in vitro của các cao chiết từ lá Náng hoa trắng theo hàm lượng các hợp chất phenolic. Thử nghiệm chống oxy hóa toàn phần, hoạt tính thu dọn gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) và thử nghiệm khả năng chống oxy hóa khử ion sắt (FRAP) của cao chiết nước lá thô và năm cao chiết phân đoạn đã được phân tích để đánh giá tiềm năng chống oxy hóa. Khả năng kháng khuẩn được khảo sát trên hai dòng vi khuẩn Gram âm và một dòng vi khuẩn Gram dương bằng phương pháp khuếch tán đĩa thạch.

Cao chiết phân đoạn nước của Náng hoa trắng (CaAq) khi đánh giá vùng ức chế vi khuẩn, có tiềm năng kháng khuẩn tương đối cao hơn so với cao chiết nước thô (CaLAE), cho thấy là phương pháp chiết xuất phân đoạn có thể làm giàu các thành phần có hoạt tính sinh học đặc hiệu. Giống với cao CaAq và CaLAE, cao phân đoạn CaEA (cao chiết phân đoạn ethyl acetat) cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn có thể là do sự hiện diện của các hợp chất terpenoid, phenolic và flavonoid. Có thể kết luận rằng các tác nhân chống oxy hóa và kháng khuẩn hiện diện trong lá Náng hoa trắng, trong đó nước và ethyl acetat có thể là hệ dung môi hiệu quả để chiết tương ứng các tác nhân kháng khuẩn và chất chống oxy hóa.

Nguyễn Văn Hiệp

 

  1.  

ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG CHỐNG SỎI NIỆU IN VITRO VÀ IN VIVO CỦA CÂY NÁNG HÓA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM

 

Suman Sura và cs.

Journal of Young Pharmacists. 2022; 12(2): 76-81

 

Mục tiêu: Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá tiềm năng chống sỏi niệu của Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) bằng các phương pháp in vitro và in vivo.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: Cao chiết ethanol của Náng hoa trắng (EECA) được sàng lọc hóa học và sắc ký vân tay HPTLC. Hoạt tính kháng sỏi niệu in vitro của EECA được xác định bằng các thử nghiệm đánh giá sự tạo mầm (sỏi) và kết tập của tinh thể Canxi Oxalate (CaOx). Các nghiên cứu về độc tính cấp được thực hiện theo hướng dẫn của OECD 423. Đối với hoạt tính chống sỏi niệu in vivo, 36 con chuột cống đực trắng được chia thành sáu nhóm. Nhóm I được dùng làm chứng sinh lý, nhóm II đến VI được gây tăng oxalat niệu bằng ethylen glycol liều 0,75 % v/v trong 28 ngày, trong đó nhóm II được dùng làm chứng bệnh lý và nhóm III được dùng làm đối chiếu. Nhóm IV đến VI là nhóm thử, được dùng liều EECA tương ứng từ 15 đến 28 ngày. Sau 28 ngày, creatinin, BUN, acid uric được định lượng. Các chỉ số canxi, oxalat, phosphat trong nước tiểu và dịch đồng thể thận cũng được sử dụng cho các nghiên cứu mô bệnh học.

Kết quả: Sàng lọc hóa thực vật cho thấy sự hiện diện của các hợp chất flavonoid, terpenoid, tannin và các hợp chất phenolic. Kết quả phân tích vân tay HPTLC cho thấy sự hiện diện của 7 hợp chất terpenoid và 7 hợp chất flavonoid ở bước sóng 540 nm và 366 nm tương ứng sau khi tạo dẫn xuất. Các nghiên cứu in vitro cho thấy EECA làm giảm kết tập tinh thể CaOx và ức chế quá trình tạo mầm CaOx. Kết quả nghiên cứu in vivo cũng cho thấy EECA làm giảm sự gia tăng nồng độ creatinine, BUN, acid uric trong huyết thanh và giảm mức độ canxi, oxalat và phosphate trong nước tiểu và dịch đồng thể thận so với nhóm chứng bệnh lý. Các kết quả này hỗ trợ minh chứng cho các khảo sát mô học.

Kết luận: EECA đã cho thấy hoạt tính chống sỏi niệu điển hình bằng cách giảm tạo sỏi.

Nguyễn Thị Lý

  1.  

CÁC ALKALOID CÓ HOẠT TÍNH ỨC CHẾ CARBONIC ANHYDRASE ISOZYME II Ở NGƯỜI TỪ CỦ CỦA CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L. VAR. ASIATICUM)

 

Waraluck Chaichompoo và cs.

Phytochemistry Letters. 202037: 101-105

 

Hai alkaloid nhóm haemanthamin mới, crinasiaticin A (1) và crinasiaticin B (2), cùng với 15 alkaloid đã biết 3–17, được chiết tách từ củ của cây Náng hoa trắng. Cấu trúc của các hợp chất mới được xác minh bằng phân tích quang phổ và các hợp chất đã biết được xác định bằng cách so sánh phổ với các hợp chất được báo cáo trước đó. Tất cả các hợp chất được đánh giá về khả năng ức chế in vivo đối với hoạt tính của carbonic anhydrase isozym II ở người (hCAII) bằng thử nghiệm dựa trên nấm men mới. Hợp chất 5 và 15 ức chế hoạt tính của hCAII với liều hiệu quả tối thiểu tương ứng là 166 và 8,7 μM. Hai hợp chất này không gây độc tế bào dù sử dụng ở nồng độ cao.

Đinh Thị Minh, Xa Thị Phương Thảo

 

12.               

CÁC THÀNH PHẦN DỄ BAY HƠI CỦA TINH DẦU LÁ CÂY NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)  VÀ HOẠT TÍNH KHÁNG KHUẨN VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA CHÚNG

 

Wen-Nee Tan và cs

Journal of Essential Oil Bearing Plants. 2019 Oct; 22:  947-954

 

Từ xa xưa, cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum), tên địa phương ở Malaysia là “bunga tembaga suasa” đã được sử dụng trong y học dân gian. Nghiên cứu này nhằm mục đích kiểm tra các thành phần dễ bay hơi của tinh dầu lá cây Náng hoa trắng và các hoạt tính kháng khuẩn và gây độc tế bào của các thành phần này. Các thành phần hóa học thu được bằng quá trình chưng cất được phân tích bằng GC và GC/MS. Mười bảy thành phần được xác định trong tinh dầu lá, chiếm tỉ lệ 93,14 %. Các thành phần chính được tìm thấy trong tinh dầu lá là 1-hexadecanol (27,69 %), acid oleic (23,32 %) và methyl octadecanoat (12,45 %). Trong thử nghiệm MTT in vitro, tinh dầu lá có tác dụng gây độc tế bào 20-25 % đối với các tế bào MCF-7 trong vòng 24-72 giờ sau thời gian ủ ở nồng độ 20-70 mg/ml. Hơn nữa, tinh dầu lá cũng cho thấy hoạt tính kháng khuẩn chống lại Shigella boydii, Candida albicans và Rhizopus sp. với giá trị MIC lần lượt là 1,25; 0,078 và 0,078 mg/ml.

Đinh Thị Minh

  1.  

TÁC DỤNG GIẢM ĐAU CỦA CAO CHIẾT TỪ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.) TRÊN CHUỘT GÂY ĐAU BỞI ACID ACETIC

 

Teodhora Simangunsong và cs.

Jurnal Farmasi Sains dan Praktis. Nov 2021; 7(2): 126-134

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.) là một loại cây có tác dụng dược lý trong giảm đau. Mục đích của nghiên cứu này là xác định tác dụng giảm đau của cao chiết ethanol từ Náng hoa trắng trên chuột đực ddY. Cao chiết thu được thông qua phương pháp ngâm và được cho chuột uống với ba liều, 200 mg/kg, 400 mg/kg và 800 mg/kg thể trọng chuột. Ibuprofen liều lượng 52 mg/kg thể trọng được sử dụng làm đối chứng dương và Na-CMC 0,5% làm đối chứng âm. 30 phút sau khi gây đau bởi acid acetic 1%, số cơn đau xoắn bụng được ghi nhận sau mỗi 5 phút đến 60 phút. Kết quả cho thấy tác dụng giảm đau tốt nhất ở liều 800 mg/kg thể trọng với tỷ lệ giảm cơn đau xoắn bụng là 80,66%. Kết quả so sánh hiệu quả ở liều 800 mg/kg thể trọng là 99,37% gần như tương ứng với hiệu quả 100% của Ibuprofen ở liều 52 mg/kg thể trọng.

Trần Trung Nghĩa, Đặng Quốc Tuấn

 

  1.  

PHÂN TÍCH SO SÁNH HÌNH THÁI NHIỄM SẮC THỂ CỦA HAI LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM L.) VÀ NÁNG LÁ RỘNG (CRINUM LATIFOLIUM) THU THẬP TẠI HUYỆN PASCHIM MEDINIPUR, WEST BENGAL, ẤN ĐỘ

Dolai và cs.

 Tropical Plant Research. 2020; 7(1): 51-54

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) và náng lá rộng (Crinum latifolium) là hai loài cây cảnh có giá trị dược liệu. Hai loài này đã mất đi các phân tử sinh học của việc sử dụng dược phẩm. Nghiên cứu hệ nhiễm sắc thể là loại nghiên cứu cơ bản đặc trưng vật chất di truyền của một loài. Các nghiên cứu trước đây về nhiêm sắc thể đã cho thấy số lượng nhiễm sắc thể lưỡng bội là 22 và 24 của các loài Crinum sp.. Nghiên cứu này khẳng định bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội của hai loài trên là 22. Tuy nhiên, ở hai loài này có sự khác biệt về một số đặc điểm. Có 10 nhiễm sắc thể tâm cân và 12 nhiễm sắc thể lệch tâm ở loài Náng hoa trắng; trong khi đó là 10 nhiễm sắc thểtâm cân, 6 nhiễm sắc thể lẹch tâm và 6 nhiễm sắc thể tâm mút được xác định ở loài Náng lá rộng. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số khác biệt đáng kể về tổng chiều dài của bộ nhiễm sắc thể đơn bội, chỉ số đối xứng, mức độ bất đối xứng của nhiễm sắc đồ, chỉ số bất đối xứng tâm động trung bình, hệ số biến thiên của chiều dài nhiễm sắc thể, hệ số biến thiên của chỉ số tâm động cũng như chỉ số bất đối xứng. Sự khác biệt này giúpnhận dạng bộ nhiễm sắc của hai loài và cũng như bản chất mối quan hệ giữa hai loài.

Nguyễn Hoàng, Phạm Văn Năm

15.               

ĐẶC TÍNH KHÁNG KHUẨN, CHỐNG OXY HÓA VÀ GÂY ĐỘC TẾ BÀO CỦA DỊCH CHIẾT TỪ CỦ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

Md. Atiar Rahman và cs.

Bangladesh J Microbiol. 2011 28(1): 1-5

 

 

Tác dụng kháng khuẩn của dịch chiết từ củ Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) (1mg/đĩa) đã được thử nghiệm trên 4 chủng vi khuẩn Gram dương và 6 chủng vi khuẩn Gram âm bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa kháng sinh chuẩn sử dụng kanamycin (30 µg/đĩa). Dịch chiết từ củ (250-1000 mg/đĩa) cho thấy vùng ức chế đáng kể đối với tất cả vi khuẩn Gram dương và vi khuẩn gram âm có đường kính từ 12-14 mm. Khả năng chống oxy hóa của cùng một loại dịch chiết được đánh giá bằng phương pháp vạch 2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH). Dịch chiết xuất cho hiệu ứng cao (95,96%) với giá trị IC 50 đạt 5,62 đối với dịch chiết và 5,46 đối với axit ascorbic (chất chống oxy hóa tiêu chuẩn) ở nồng độ 1000 µg/ml. Trong thử nghiệm gây chết tôm bằng nước muối, dịch chiết củ đạt giá trị LC 50 ở nồng độ 94,06 µg/ml.

Đào Văn Châu

16.               

HOẠT TÍNH CHỐNG VIÊM VÀ CHỐNG OXY HÓA CỦA DỊCH CHIẾT LÁ NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM)

Md. Zia Uddina và cs.

Journal of Pharmacy Research. 2012; 5(12): 5553-5556

Nghiên cứu này được thực hiện để điều tra khả năng chống viêm và chống oxy hóa và đặc tính của dịch chiết ethanol từ lá loài Crinum asiaticum (Tên đồng danh Crinum amabile). Mô hình phù chân do carrageenan gây ra đã được sử dụng để đánh giá hoạt tính chống viêm ở chuột bạch tạng Wister. Trong nghiên cứu này, dịch chiết lá Náng hoa trắng được dùng trên động vật với liều 2 gm/kg và 1 gm/kg theo thể trọng và tác dụng thu được được so sánh với thuốc chống viêm diclofenac natri trên thị trường (10 mg/kg) đối với thử nghiệm phù nề bàn chân bằng carrageenan. Hoạt tính chống oxy hóa của dịch chiết ethanol lá Náng hoa trắng được đánh giá bằng phương pháp xác định gốc tự do DPPH. Dịch chiết lá Náng hoa trắng đã cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc giảm phù nề bàn chân do carrageenan gây ra ở liều 2 gm/kg và 1gm/kg thể trọng trong đó 40,8% và 8,76% biểu hiện phù chân đã giảm sau 4 giờ sử dụng dịch chiết. Những kết quả này chỉ ra rằng dịch chiết từ ​​lá Náng hoa trắng có tác dụng tiềm năng chống viêm. Dịch chiết này cũng cho thấy tác dụng trong thử nghiệm DPPH so với axit ascorbic. Giá trị IC 50 của axit ascorbic và dịch chiết lá lần lượt là 13,26 mg/ml và 71,4 mg/ml.

                                                           Đào Văn Châu

  1.  

HOẠT TÍNH CHỐNG GHẺ VÀ ĐUỔI MUỖI CỦA DỊCH CHIẾT TỪ ​​LÁ CRINUM ASIATICUM

Bharat Sharma và cs Research Journal of Pharmacy and Technology. 2020; 13(2):895-900

Research Journal of Pharmacy and Technology. 2020; 13(2): 895-900.

 

Đặt vấn đề: Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây suy nhược da do Sarcoptes scabiei gây ra, ảnh hưởng đến hơn 130 triệu người vào bất kỳ thời điểm nào. Trên toàn cầu, căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên này chiếm 0,07% tổng gánh nặng bệnh tật. Ở Ấn Độ và các nước Tây Á khác, Anopheles stephensi là véc tơ truyền bệnh sốt rét chính và có từ 200 triệu đến 450 triệu ca nhiễm gây ra 2,7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Các bộ phận của cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum Linn, họ Thủy tiên - Amaryllidaceae) được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền để chữa đau, viêm khớp, sưng nhọt, rối loạn cổ họng, bệnh ngoài da (bệnh phong), nhiễm giun, rối loạn cảm lạnh và ho, nôn mửa, đau ruột, tiểu khó, tiểu nhiều và làm thuốc đuổi côn trùng, gây nôn.

Mục tiêu: Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá hoạt tính chống ghẻ và đuổi muỗi của dịch chiết lá Náng hoa trắng

Vật liệu và phương pháp: Lá Náng hoa trắng được chiết trong ethanol và dung môi nước bằng thiết bị soxhlet, được đánh giá về khả năng chống ghẻ đối với Sarcoptes scabiei sử dụng phương pháp thử nghiệm sinh học tiếp xúc và hoạt động đuổi muỗi chống lại Anopheles stephensi bằng thử nghiệm xua đuổi. 

Kết quả: Dịch chiết ethanol của Náng hoa trắng cho thấy tỷ lệ chết của S. scabiei là 100,00 ± 0,00% ở nồng độ 10% trong vòng 80 phút khi tiếp xúc và cũng ở nồng độ 10%, nó mang lại hiệu quả bảo vệ 97,00 ± 0,42% sau 6 giờ xử lý so với hiệu quả 78,25 ± 0,53% xử lý với DEET. 

Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy dịch chiết ethanol của Náng hoa trắng thể hiện hoạt tính diệt ghẻ rất hiệu quả đối với ve S. scabiei trưởng thành và hoạt tính đuổi muỗi đối với muỗi An. stephensi.

 Nguyễn Thị Tố Duyên

18.               

HOẠT TÍNH KHÁNG LAO CỦA DỊCH CHIẾT CỦ LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUM) TRÊN MÔ HÌNH CHUỘT MANG VI KHUẨN MYCOBACTERIUM SMEGMATIS CẢM ỨNG BẰNG AEROSOL

Michael Ofori và cs.

Journal of Applied Pharmaceutical Science. 2022; 12(05): 156-164

 

Bệnh lao (TB) là một trong những bệnh truyền nhiễm cao ảnh hưởng đến một phần ba dân số thế giới. Sự xuất hiện của các chủng Mycobacterium tuberculosis kháng đa thuốc (MDR-TB) và kháng thuốc rộng rãi (XDR) đã ảnh hưởng đến chiến lược quản lý bệnh lao. Số người chết vì MDR - và XDR-TB được ước tính là hơn một triệu người mỗi năm, điều này thật đáng báo động; do đó, cần phải tìm ra các hợp chất mới có thể phát triển để giải quyết bệnh lao kháng thuốc. Dịch chiết từ củ loài Náng hoa trắng (Crinum asiaticum) được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng da và cho các hoạt động chữa lành vết thương. Nghiên cứu này nhằm đánh tính kháng lao của dịch chiết chloroform từ ​​củ Náng hoa trắng (CCAE) trên mô hình chuột nhiễm bệnh lao bởi các chủng Mycobacterium smegmatis. Từ các kết quả thu được, mô học của phổi bị nhiễm bệnh được quản lý với liều CCAE 500 và 1.000 mg/kg cho thấy không gian phế nang phổi, nhu mô phổi và chức năng phế quản được cải thiện. CCAE giảm đáng kể (p ≤0,05) số lượng đơn vị khuẩn lạc/ml của M. smegmatis trên phổi. Khi đánh giá mức độ yếu tố hoại tử khối u-alpha và interleukin-6, CCAE cho thấy mức giảm đáng kể (p≤0,05) cảu các chỉ số này. Có sự gia tăng phụ thuộc vào liều lượng của hồng cầu và huyết sắc tố, trong khi có sự giảm số lượng bạch cầu trong phân tích huyết học của các nhóm được điều trị bằng CCAE so với nhóm đối chứng âm tính. Nhìn chung, CCAE cho thấy tác dụng trong chống lao, có tiềm năng hàng đầu trong việc phát hiện và phát triển các tác nhân chống lao có thể giúp giải quyết các vấn đề kháng thuốc trong việc quản lý bệnh lao.

Đào Văn Châu

19.               

MỐI LIÊN QUAN GIỮA VIRUS SỌC VÀNG NERINE VỚI BỆNH KHẢM TRÊN CÂY CẢNH NÁNG HOA TRẮNG (Crinum asiaticum) Ở ẤN ĐỘ

Susheel Kumar và cs.

Plant Disease. 2015; 99(11) 1655

DOI:10.1094/PDIS-02-15-0211-PDN

 

Crinum asiaticum L., (họ Amaryllidaceae), thường được gọi là huệ nhện, là một loại cây cảnh thường gặp trong các khu vườn của các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới với lá dài, giống như dây đeo, màu xanh lục và những bông hoa màu trắng mọc thành cụm. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2013, các triệu chứng khảm nghiêm trọng đã được ghi nhận trên một số cây Náng hoa trắng mọc trong vườn tại các thành phố Noida và New Delhi của Ấn Độ. Do các triệu chứng tương tự như được mô tả trước đó ở Brazil trên một cây Crinum sp bị nhiễm potyvirus (Barboza và cộng sự 2006); khả năng do nhiễm potyvirus đã được cân nhắc. Phân tích đánh giá bằng kính hiển vi điện tử được thực hiện với sáu mẫu lá có triệu chứng được thu thập ngẫu nhiên cho thấy sự hiện diện của các hạt vi rút hình que, uốn cong và dài ∼ 700 × 12 nm, cho thấy sự liên quan của một loại potyvirus. Các mẫu này tiếp tục được phân tích bằng RT-PCR sử dụng mồi suy biến cho potyvirus (Gibbs et al. 2003). RT-PCR đã khuếch đại vùng gen có kích thước dự kiến ​​(∼ 1,5 kb) từ tất cả các mẫu có triệu chứng. Các sản phẩm khuếch đại được tách dòng và giải trình tự, và dữ liệu trình tự đã được đăng ký tại GenBank với các mã truy cập KJ886933 (Nod-1), KM066970 (Nod-2), KM066968 (Nod-3), KJ886934 (Del-1), KM066971 (Del-2) và KM066969 (Del-3). Phân tích gióng cột trình tự của các chủng phân lập này trong NCBI cho thấy sự hiện diện của gen mã hóa thể vùi (NIb), protein vỏ hoàn chỉnh (CP) và vùng chưa được dịch mã 3′ UTR của một potyvirus. Các chủng virus được nghiên cứu có sự tương đồng trình tự 98 đến 99% và tương đồng 78 đến 99% với các chủng vi rút sọc vàng Nerine (NeYSV) (FJ618537, DQ407932, EF362621, EF362622, EU042758 và JX865782) được báo cáo từ New Zealand, Hà Lan và Hoa Kỳ. Trong quá trình phân tích phát sinh loài bằng MEGA (V.5.1) (Tamura et al. 2013 ), các chủng phân lập được nghiên cứu phân nhóm cùng nhau và cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với các chủng NeYSV, ​​và potyvirus liên quan đến bệnh khảm của Náng hoa trắng được xác định là NeYSV. Sáu mẫu lá trên và chín mẫu lá có triệu chứng khác của Náng hoa trắng cũng đã được kiểm tra bằng phân tích lai acidt nucleic sử dụng mẫu dò được chuẩn bị từ dòng NeYSV ​​(KJ886933), cho tín hiệu lai mạnh mẽ xác nhận sự hiện diện của NeYSV. Mẫu dò có thể được sử dụng để kiểm tra các mẫu lá được thu thập từ các địa điểm khác nhau và để hiểu sự phân bố địa lý của NeYSV. Một nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra báo cáo duy nhất về sự liên quan của một loại potyvirus không xác định với bệnh khảm của Crinum sp. từ Brazil (Barboza et al. 2006) dựa trên khuếch đại RT-PCR sản phẩm 2,0 kb bằng mồi đặc hiệu cho chi potyvirus. Theo hiểu biết của nhóm tác giả, đây là báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện tự nhiên của NeYSV ​​trên Náng hoa trắng ở Ấn Độ. Vì Náng hoa trắng đang được nhân giống bằng củ, sự lây lan của virus giữa các vườn ươm cũng như giữa các vùng trồng là mối quan tâm lớn và hiện được kiểm soát bằng việc chứng nhận nuôi cấy Náng hoa trắng sạch NeYSV.

Phạm Thị Lý

  1.  

SO SÁNH TIỀM NĂNG CHỐNG OXY HÓA VÀ KHÁNG KHUẨN TỪ CÁC PHÂN ĐOẠN CHIẾT XUẤT LIÊN TIẾP LOÀI NÁNG HOA TRẮNG (CRNUM ASIATICUM L.)

Souren Goswami và cs.

Industrial Crops and Products. 2020; 154: 112667

 

Náng hoa trắng (Crinum asiaticum L.) là loài cây thuốc được sử dụng rộng rãi, có giá trị y học cao. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng chống oxy hóa và kháng khuẩn in vitro của dịch chiết lá C. asiaticum cùng với hàm lượng phenolic của chúng. Thử nghiệm chống oxy hóa toàn phần, hoạt tính loại bỏ gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl (DPPH) và xét nghiệm khả năng chống oxy hóa khử ion sắt (FRAP) của dịch chiết nước tổng phần lá và năm phân đoạn chiết xuất liên tiếp đã được phân tích để đánh giá tiềm năng chống oxy hóa của chúng. Khả năng kháng khuẩn được khảo sát trên hai dòng vi khuẩn gram âm và một dòng vi khuẩn gram dương bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Phân đoạn nước của C. asiaticum (CaAq) cho thấy tiềm năng kháng khuẩn tương đối cao hơn so với dịch chiết nước tổng (CaLAE), xét về vùng ức chế, cho thấy thực tế là quy trình chiết xuất nối tiếp có thể cô đặc thành công hơn các thành phần có hoạt tính sinh học đặc hiệu. Cùng với CaAq và CaLAE, phần CaEA (dịch chiết phân đoạn ethyl axetat) cũng thể hiện hoạt tính kháng khuẩn có thể là do sự hiện diện của terpenoid, phenolic và flavonoid. Có thể kết luận rằng chất chống oxy hóa và chất kháng khuẩn có sẵn trong lá của C. asiaticum, trong đó nước và etyl axetat có thể là hệ dung môi hiệu quả để chiết các chất kháng khuẩn và chất chống oxy hóa tương ứng.

Đặng Quốc Tuấn

  1.  

NÁNG HOA TRẮNG (CRINUM ASIATICUMBình luận

Tin tức mới Xem tất cả

Ba gạc bốn lá

Ba gạc Cu Ba cây nhỏ, sống nhiều năm, cao 1- 2 m, phân cành nhiều, lá mọc vòng. Ra hoa từ tháng 4 kéo dài đến tháng 6 - 7. Quả chín từ tháng 8 - 9 đến tháng10 - 11. Quả đôi, dính chặt vào nhau, vỏ ngoài cứng khi chín có mầu đỏ sau đến tím đen.