Danh mục sản phẩm
Lượt truy cập
  • 1
  • 192
  • 1,082,578

Viện Dược liệu tổ chức Hội thảo khoa học về “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam Bộ”

  18/08/2022

Viện Dược liệu tổ chức Hội thảo khoa học về “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam Bộ”

Hội thảo khoa học “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam Bộ”

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam, đồng thời để thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Y về việc xây dựng hệ thống Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia, Viện Dươc liệu phối hợp với Khu BTTNVH Đồng Nai đề xuất đề tàiNghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai”. Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho Viện Dược liệu chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2022. Mục tiêu của đề tài là góp phần bảo tồn bền vững được các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ làm cơ sở xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia tại Khu BTTNVH Đồng Nai. Trong đó, đưa ra các mục tiêu cụ thể như sau: (1) Đánh giá được tiềm năng về nguồn tài nguyên dược liệu, thu thập nguồn gen theo tiêu chí: đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị của vùng Đông Nam Bộ phục vụ công tác bảo tồn. (2) Xây dựng vườn bảo tồn và nghiên cứu bảo tồn được 300 nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trên diện tích 10 ha. (3) Đề xuất được các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen cây thuốc quốc gia tại vùng Đông Nam Bộ.

 

Ngày 12/08/2022, Viện Dược liệu đã tổ chức  Hội thảo khoa học về “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam Bộ” trong khuôn khổ nội dung của nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam Bộ tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai”. Mục tiêu chính của Hội thảo là báo cáo kết quả triển khai đề tài, thảo luận về các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc vùng Đông Nam Bộ và định hướng xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia vùng Nam Bộ.

Tham dự Hội thảo có TS. Phan Thúy Hiền - Phó viện trưởng Viện Dược liệu, PGS.TS. Phạm Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Dược liệu; TS. Nguyễn Hoàng Hảo - Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; TS. Nguyễn Thế Hùng - đại diện Vụ Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH&CN); ThS. Nguyễn Thị Xuân Hoa - đại diện Cục Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế); đại diện Lãnh đạo Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Dự trữ  sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đồng Nai; các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển dược liệu: PGS.TS. Nguyễn Thượng Dong - nguyên Viện trưởng Viện Dược liệu, TS. Nguyễn Bá Hoạt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, PGS.TS. Nguyễn Văn Tập - nguyên Trưởng Khoa Tài  nguyên Dược liệu, GS.TS. Nguyễn Hoàng Nghĩa - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lâm  nghiệp, PGS.TS. Trần Minh Hợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; đại diện các công ty sản xuất và kinh doanh dược liệu; đại diện các phòng chuyên môn thuộc Khu BTTNVH Đồng Nai cùng các cán bộ nghiên cứu tham gia đề tài.

Tại Hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày tổng thể các kết quả đạt được sau gần 5 năm thực hiện:

- Tổng hợp và phân tích các dữ liệu, thông tin từ các tài liệu và công trình công bố và đã ghi nhận được 1.840 loài và dưới loài cây thuốc, thuộc 1074 chi, 214 họ thực vật ở vùng Đông Nam Bộ; Xác định 53 loài thuộc diện quý hiếm cần bảo vệ (thuộc 42 chi, 29 họ) và có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) cần bảo tồn. Xây dựng danh mục 264 loài, thuộc 211 chi, 102 họ thực vật thuộc diện đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cần thu thập tại vùng Đông Nam Bộ. Tiến hành khảo sát ở 113 xã/phường/TP thuộc 29 huyện/TX/TP của 06 tỉnh/thành phố là Đồng Nai (43 xã thuộc 9 huyện/TP), Bình Dương (22 xã 6 huyện/TP/TX), Tây Ninh (12 xã thuộc 4 huyện), Bình Phước (17 xã thuộc 5 huyện/TP), Bà Rịa - Vũng Tàu (19 xã/phường thuộc 5 huyện/TP) và Tp Hồ Chí Minh (17 xã/phường thuộc 7 quận/TP/huyện); Ghi nhận sự phân bố của 169 loài dự kiến thu thập và bảo tồn ở vùng Đông Nam Bộ (gồm 44 loài đặc hữu, phân bố tập trung; 33 loài quý hiếm và 129 loài có giá trị kinh tế).

- Qua điều tra khảo sát về tình hình khai thác và sử dụng đã xác định có 35 loài thuộc đối tượng nghiên cứu đang được khai thác; 24 loài đang được trồng tại địa phương. Trong đó, có 22 loài được sử dụng rộng rãi trong YHCT và công nghiệp dược.

- Thu thập 500 nguồn gen cây thuốc, trong đó có 300 nguồn gen cây thuốc trong nhóm đối tượng nghiên cứu (đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế), thuộc 110 loài, 88 chi, 54 họ thực vật; 1.000 tiêu bản của 500 nguồn gen (thuộc 169 loài, 122 chi, 70 họ), 42 mẫu dược liệu (của 41 loài) để phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu. Các nguồn gen được đưa về lưu giữ tại vườn ươm để nhân giống.

- Đã tiến hành khảo sát đất đai, thổ nhưỡng và nguồn nước để lựa chọn địa điểm xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc (10 ha): Vườn bảo tồn nguyên vị (in situ) có diện tích 6 ha tại Tiểu khu 126, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai (chia thành 5 ô, mỗi ô có diện tích khoảng 1.2 ha); Vườn ươm (500m2) và vườn bảo tồn chuyển vị (ex situ) gồm 4 ha ở Khu du lịch sinh thái chiến khu D tại Bờ Hào, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.

- Tiến hành nhân giống và từng bước trồng các nguồn gen đủ điều kiện tại vườn bảo tồn chuyển chỗ.

- Các nguồn gen thu thập đang được đánh giá, tư liệu hóa các chỉ tiêu về đặc điểm nông sinh học; Đã hoàn thành 500 Phiếu đánh giá ban đầu, đánh giá chi tiết 300 nguồn gen, đánh giá chất lượng của 100 nguồn gen (thuộc 36 loài).

- Đã công bố 04 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế (02 bài quốc tế thuộc danh mục ISI, 02 bài trên tạp chí Quốc gia có uy tín). Các dữ liệu thu được đang tiếp tục cập nhật để công bố trên các Tạp chí chuyên ngành.

- Xuất bản 1 cuốn sách giới thiệu về 100 loài cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế vùng Đồng Nam Bộ.

- Tham gia đào tạo 03 Thạc sĩ (01 thạc sỹ lâm nghiệp đã bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp) và nhiều cử nhân tốt nghiệp các ngành Sinh học, Hóa học, Dược học và Lâm học.

- Giới thiệu nhiều đối tượng cây thuốc có tiềm năng cho các nghiên cứu chuyên sâu.

Hội thảo diễn ra trong bầu không khí sôi nổi, sau phần báo cáo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc vùng Đông Nam Bộ; đồng thời đề xuất định hướng nhằm xây dựng được Vườn Bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia vùng Nam Bộ tại khu BTTN VH Đồng Nai.

Đồng thời vào chiều ngày 12/8 và ngày 13/8, các đại biểu đã khảo sát thực tế mô hình vườn bảo tồn in situ và ex situ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.

Hy vọng hội thảo khoa học về “Bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế của vùng Đông Nam Bộ” sẽ là cơ sở cho việc định hướng các nhiệm vụ tiếp theo phục vụ công tác bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm và có giá trị kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

(Nguồn tin: Viện Dược liệu)

Bình luận

Tin tức mới Xem tất cả

Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo - Phòng chống Covid - 19

Hưởng ứng chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bach phòng, chống dịch Covid-19, cùng Chương trình chốt kiểm dịch do UBND Thị trấn Tam Đảo phối hợp cùng các ban ngành liên quan. Được sự nhất trí Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Dược liệu, Ban Giám

Ngày Hội hiến máu, giọt hồng yêu thương (06/3/2020)

Với truyền thống thương người như thể thương thân, thực hiện Kế hoạch số 38/KH-CĐYT ngày 13/2/2020 của Công đoàn Y tế Việt Nam về kế hoạch tổ chức ngày hội hiến máu cứu người trong tình hình dịch, bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Cornoa COVID-19

Viện Dược liệu – Bộ Y tế phát miễn phí gel rửa tay khô miễn phí phòng virus corona cho toàn bộ các hộ gia đình tại Thị trấn Tam Đảo – huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc.

Chương trìn được sự nhất trí Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Dược liệu, Ban Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội để Đoàn thanh niên Viện Dược liệu phối hợp cùng cán bộ Trạm Nghiên cứu cây thuốc Tam Đảo thực hiện Chương trình Phát ge